Gần 10 giờ ngày 24-1, bãi giữ xe chợ Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP HCM) vắng quá nửa. Trong chợ, ngoại trừ một số sạp bán thịt heo gần hết hàng, đa số quầy, sạp hàng chất la liệt. Hễ thấy khách đi ngang là tiểu thương đon đả mời “mua ủng hộ giùm, chị bán rẻ cho”.
Chợ ế
Chỉ đống rau sống, kiệu tươi còn ngồn ngộn, một tiểu thương nói như than: “Gần Tết, cuối tuần, nghĩ chợ đông nên tôi kéo hàng hơi nhiều, không dè vắng quá. Kiệu quế mua tại chợ Bình Điền giá 28.000 đồng/kg, về đây bán 30.000 đồng/kg mà không ai mua. Mọi năm, kiệu loại này phải 40.000-50.000 đồng/kg”. Gần đó, 2 tiểu thương ngồi chép miệng nói với nhau: “Chợ cuối tuần bán chậm hơn ngày thường, chắc cuối tuần người ta đi siêu thị hết rồi”.
Tại các chợ sỉ, khách ra vào nhộn nhịp hơn nhưng theo các tiểu thương, mùa kinh doanh Tết năm nay coi như thất bại. Nhiều tiểu thương bán bánh mứt, quần áo ở chợ An Đông (quận 5), Bình Tây (quận 6) cho biết đặc thù của chợ sỉ là bán hàng về tỉnh nhưng năm nay, hàng đi tỉnh rất yếu.
Thời điểm này, quần áo đã ngưng đóng hàng đi tỉnh, tiểu thương đang ngồi trên đống lửa vì lo mối lái trả hàng. Khu quần áo, giày dép ở lầu 1 chợ An Đông giảm giá bán đến 50% (thường tiểu thương chỉ giảm giá bán khi kết thúc các đơn hàng sỉ, bán giảm giá để giải phóng hàng tồn, hàng lẻ) nhưng cũng ít khách mua.
Tại tầng hầm bán bánh mứt, khô đặc sản các loại khá đông khách. Tuy nhiên, theo Ban Quản lý chợ An Đông, khu vực tầng hầm chỉ đông vào ngày cuối tuần do khách hàng là người Trung Quốc làm việc ở các KCX-KCN và khách du lịch, Việt kiều đến mua. Giá tôm khô, khô mực và các loại khô, mắm đặc sản khác nhích nhẹ 10.000- 20.000 đồng/kg so với Tết năm rồi. Khu vực tươi sống ở chợ An Đông khá vắng khách.
Tình trạng này diễn ra tương tự tại hầu hết các chợ lẻ trên địa bàn TP HCM. Nguyên nhân một phần do thói quen tiêu dùng thay đổi: Thích mua sắm ở siêu thị hơn ở chợ. Mặt khác, các siêu thị khuyến mãi rầm rộ, giảm giá sâu rất nhiều mặt hàng nên hút khách.
“Hàng trong siêu thị có loại rẻ hơn, có loại đắt hơn ngoài chợ nhưng đến siêu thị, khách được mua hàng khuyến mãi, tiện thể mua luôn đồ ăn thức uống. Siêu thị nhập hàng số lượng nhiều nên giá tốt, ổn định còn tiểu thương bán ít, giá lên xuống mỗi ngày tùy giá bán ở chợ đầu mối và tình hình đắt hay ế…” - một tiểu thương chợ An Đông cho biết.
Đến hẹn lại… tăng
Có thể thấy, điểm nhấn lớn nhất của thị trường Tết Ất Mùi tại TP HCM là công tác chuẩn bị nguồn hàng chu đáo, lượng hàng của các doanh nghiệp bình ổn thị trường rất dồi dào, giá cả được kiểm soát tốt. Mặc dù vậy, giá một số mặt hàng tại chợ đã nhích nhẹ theo kiểu “đến hẹn lại lên”.
Chẳng hạn, giá hành tím từ 25.000-30.000 đồng/kg hồi đầu tháng 12 đã nhảy lên 38.000-40.000 đồng/kg; trứng vịt (loại 1) từ 35.000 đồng/chục vọt lên 40.000-42.000 đồng/chục. Giá một số loại trái cây như bưởi, xoài, quýt… và các loại khô đặc sản, mứt Tết cũng nhích nhẹ. Thịt heo, rau củ nhìn chung khá ổn định.
Theo bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, Tết năm nay sẽ không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá. Tuy nhiên, dự báo tình hình giá bán một số mặt hàng sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2014. Tại 3 chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ đạt bình quân trên 8.000 tấn/ngày, vào thời điểm cận Tết có thể tăng lên 14.000 -15.000 tấn/ngày. Hiện hàng về các chợ đầu mối mỗi đêm đã nhích nhẹ, tập trung ở các nhóm hàng củ kiệu, hành, tỏi, cà rốt, củ cải trắng, đu đủ…
Bình luận (0)