Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai 5 dự án trọng điểm với tổng kinh phí khoảng 171 tỉ đồng nhằm thực hiện Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt vào tháng 5. Đây được xem là cơ hội để tái cấu trúc lại ngành lúa gạo nội địa về sản phẩm, thị trường, bảo đảm sự phát triển bền vững, hiệu quả cho sản phẩm gạo. Tuy nhiên đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại hạt gạo của Việt Nam vẫn quá bấp bênh.
Việt kiều tìm không ra
Đang làm nghiên cứu sinh tại Mỹ (TP Santa Barbara - California), anh Phạm Xuân Hùng và vợ vẫn duy trì bữa ăn hằng ngày với cơm là nguồn thực phẩm chính. Hiện tại, nhà anh đang có một bịch gạo Thái Lan 11 kg mới mua ở siêu thị với giá 22 USD (tương đương 2 USD/kg) là loại gạo dẻo, thơm và ăn cũng như loại gạo ngon mà dân thành thị ở Việt Nam đang ăn.
Anh cho biết ở Mỹ đi đâu cũng gặp gạo Thái, gạo Việt chỉ được bán ở khu có đông người Việt nhưng rất hiếm. “Nếu đi siêu thị gặp 2 loại song song thì đương nhiên tôi sẽ mua gạo Việt nhưng không có để mua” - anh Hùng chia sẻ.
Còn ông Hà Minh, Việt kiều định cư ở Mỹ (tiểu bang Illinois), nói rằng chỉ ăn gạo Việt đã qua chế biến như bún, bánh tráng. Với cơm ăn hằng ngày thì gạo Thái áp đảo vì vừa ngon vừa rẻ.
Tại Nhật, một trong những nước Việt Nam đã xuất khẩu gạo sang thì người Việt vẫn ăn gạo bản địa vì loại gạo “made in Việt Nam” này chỉ là xuất xứ còn giống, quy trình là của người Nhật. Chị Huỳnh Châu, sống hơn 5 năm ở Nhật, cho hay “ăn gạo ở đó quen, về nước ăn cơm gạo thường không khác gì nhai rơm” - chị so sánh.
Hay như Trung Quốc, thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam thì những người Việt công tác ở đây cũng không dễ nhìn thấy gạo “made in Vietnam” trên các kệ hàng vì doanh nghiệp thường xuất khẩu gạo xá, không thương hiệu. Chưa kể, phía đối tác Trung Quốc thích nhập khẩu qua đường mậu biên hơn để trốn thuế nên chuyện thương hiệu càng trở nên xa vời.
Nội địa cũng mê gạo Nhật, Thái
Thực tế tại thị trường TP HCM, gạo Nhật Bản, Hàn Quốc nhập khẩu đã phổ biến với người có thu nhập cao khi giá bán có loại lên đến 120.000 - 150.000 đồng/kg và chuyên bán ở các cửa hàng thực phẩm cao cấp.
Trước đây, các hệ thống siêu thị như Co.opmart, Lotte Mart chỉ bán gạo Việt nhưng nay kinh doanh thêm gạo ngoại.
Ông Võ Hoàng Anh, Giám đốc Marketing Saigon Co.op - nơi đang bán gạo Thái “Hom Mali Na Siam” và “Pathumthani Na Siam”, cho biết việc kinh doanh này chủ yếu để đa dạng hóa sản phẩm và gạo Thái tại Co.opmart chiếm tỉ trọng chưa đến 1%.
Tại hệ thống Co.opmart, bán chạy nhất là các mặt hàng gạo thông dụng giá từ 50.000 - 70.000 đồng/bịch 5 kg. Gạo thơm cũng bán khá tốt với mức giá từ 90.000 – 120.000 đồng/bịch 5 kg.
Tại Lotte Mart, gạo Thái nhập khẩu đang có giá khoảng 50.000 đồng/kg. Ông Trần Văn Chúc, Giám đốc ngành hàng thực phẩm tươi sống Lotte Mart Việt Nam, cho biết việc kinh doanh mặt hàng mới này nhằm góp phần làm phong phú ngành hàng.
Không phải là gạo ngoại nhưng tại Lotte Mart, nhiều mặt hàng giá cao, bán chạy cũng là gạo giống Nhật, giống Thái (của Vạn Thịnh, Angimex Kitoku) giá khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg. Theo ông Chúc, những loại gạo này được người tiêu dùng đánh giá là “ăn ngon miệng” do hạt dẻo và có độ tơi xốp hơn. Trong khi đó, các loại gạo Việt như: Nàng thơm chợ Đào, Nàng Hoa, Hương Lài giá bán chỉ từ 72.000 - 100.000 đồng/bịch 5 kg. Đại diện siêu thị này cho hay đối với gạo đóng gói thì ngoài chất lượng và hồ sơ pháp lý đầy đủ thì yếu tố bao bì đẹp mắt, hạt gạo đồng đều, màu sắc hạt gạo trắng đều… cũng là một yếu tố quan trọng quyết định.
Gạo thương hiệu vướng đại lý
Bà Đỗ Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc phát triển khách hàng thương hiệu gạo Nosavina của Công ty TNHH MTV Cỏ May (Đồng Tháp), cho biết người tiêu dùng thích gạo sạch, an toàn, có sự cam kết từ nhà sản xuất nhưng từ ý thức đến hành động còn xa.
“Họ vẫn biết ăn gạo xá nhiều nguy cơ nhưng nguy cơ chưa đến nỗi “ăn chết ngay” nên nhiều người vẫn chấp nhận gạo xá. Trong khi đó, hệ thống đại lý khắp TP HCM cung cấp gạo cho người dân lại chỉ thích bán gạo xá vì lời hơn, không thích phân phối gạo đóng gói từ các công ty. Các công ty nếu tự tổ chức cả chuỗi sản xuất, kinh doanh đến bán lẻ thì không đủ nguồn lực nên gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận người tiêu dùng.Với gạo xá, ngay cả đại lý cũng không biết nguồn gốc từ đâu và không được kiểm soát nguyên liệu; khi bị cũ, mọt họ tự xử lý rồi kinh doanh tiếp, kể cả gạo kém chất lượng” - bà Hạnh phân tích.
Kỳ tới: Loay hoay làm thương hiệu
Bình luận (0)