Hầu hết các ý kiến tại buổi công bố Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam, do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) tổ chức sáng 28-5, đều cho rằng hiện VNĐ đang được định giá quá cao và cần có một lộ trình phù hợp để đạt được tỉ giá cạnh tranh hơn.
Sức ép điều chỉnh
Năm tháng đầu năm 2015, tỉ giá đã được điều chỉnh hết dư địa cam kết cho cả năm là 2%. Tuy vậy, nhìn chung, việc điều hành tỉ giá thời gian vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được đánh giá là quá thận trọng khiến tiền đồng được định giá cao hơn giá trị cân bằng khoảng 7%-11%.
Theo TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, tỉ giá VNĐ/USD được duy trì ổn định về mặt danh nghĩa sẽ làm VNĐ tiếp tục tích lũy sự lên giá. Điều này âm thầm xói mòn sức cạnh tranh của các mặt hàng sản xuất trong nước cũng như các dịch vụ thu hút khách nước ngoài. Ví dụ, nếu định giá đồng tiền nội địa ở mức cao hơn 10% thì các ngành công nghiệp nhẹ thâm dụng lao động có sản lượng giảm 7,65%, xuất khẩu giảm 11,64%...
“Tình trạng này thúc giục cân nhắc lại chính sách tỉ giá bởi điều chỉnh với biên độ hẹp như vừa qua là quá thận trọng” - TS Nguyễn Đức Thành nêu quan điểm. Do đó, theo ông Thành, cần một lộ trình phù hợp để đạt được mức tỉ giá cạnh tranh hơn cho Việt Nam, tối thiểu tiến tới mức tỉ giá cân bằng. Mức điều chỉnh tỉ giá danh nghĩa nên lớn hơn khoảng cách giữa lạm phát của Việt Nam và thế giới.
Tiền nội địa yếu, trả nợ tốt hơn
Bàn thêm về tỉ giá, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc Đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, dẫn chứng về chính sách tiền tệ của Nhật năm 1949. Khi đó, đồng yen được định giá ở mức 360 yen chỉ đổi được 1 USD và kéo dài liên tục trong vài thập kỷ sau đó. “Quyết định này mang ý nghĩa then chốt đem lại sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản. Việc ấn định giá đồng yen thấp trong thời gian dài đã cải thiện cạnh tranh trong nước và nhờ đó Nhật Bản trở nên thặng dư” - TS Du bình luận.
TS Du còn so sánh 2 xu hướng điều hành vĩ mô tại một số quốc gia lân cận, đó là hướng đến xuất khẩu hay bảo hộ những mặt hàng thay thế nhập khẩu. Theo đó, trong khi Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc định hướng xuất khẩu nên định giá đồng tiền yếu để thúc đẩy cạnh tranh cho quốc gia thì Indonesia, Malaysia cùng một số nước Đông Nam Á lại theo đuổi định hướng nền kinh tế thay thế nhập khẩu và tạo ra đồng tiền giá cao. “Điều này khiến các quốc gia định giá đồng tiền nội địa cao mắc phải việc chi tiêu công quá mức, lạm phát tăng cao và gây bất ổn vĩ mô. Đây là bài học cực kỳ rõ nét cho Việt Nam” - TS Du khẳng định.
Theo TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế thuộc ĐHQG Hà Nội, tỉ giá là vấn đề nhạy cảm và cần nhận diện những rủi ro cũng như có phương án, nếu không sẽ gây ra sự tích tụ lên giá và gây tác hại. TS Nguyễn Đức Thành lưu ý thêm việc điều chỉnh tỉ giá phải xử lý kèm theo các phương án cải cách, tái cơ cấu để sự hội nhập được tích cực, chủ động hơn.
2 kịch bản tăng trưởng GDP
VEPR dự báo nền kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng nhẹ đã tích lũy từ năm 2013 với 2 kịch bản. Ở kịch bản thấp, GDP đạt khoảng 6,1%, lạm phát 1,9%; kịch bản cao hơn dự báo GDP tăng 6,3%, lạm phát 3,2%.
Kịch bản 2 tuy có bề ngoài không khác quá xa kịch bản 1 nhưng phản ánh mức độ rủi ro vĩ mô cao hơn nhiều sẽ xuất hiện trong năm 2016. Đây là trường hợp nền kinh tế rơi vào một vòng xoáy mới giữa lạm phát và thay đổi tỉ giá. Bởi khi lạm phát có khuynh hướng nhích lên hơn 2% trong năm và “vắt” sang năm 2016 thì tỉ giá đang được neo giữ sẽ bùng ra.
Bình luận (0)