Đây là ý kiến được nhiều doanh nghiệp (DN) nêu ra tại hội thảo “Khó khăn của DN về tiền thuê đất” do Hiệp hội DN TP HCM tổ chức cuối tuần qua.
Truy thu tiền thuê đất cao gấp 1,5 lần vốn điều lệ
Ông Bùi Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty May 30-4, cho rằng giá tiền thuê đất trong giai đoạn 2006-2010 đã tăng 525% so với thời điểm trước đó. Trong khoảng 4 năm trở lại đây, tiền thuê đất cũng tăng gần 400% và có quá nhiều văn bản pháp luật liên quan đến quy định về tiền thuê đất khiến các DN bị rối. “Chỉ từ cuối năm ngoái đến nay, tôi phải nghiên cứu đến 11 văn bản về tiền thuê đất” - ông Nghĩa bức xúc.
Không chỉ tiền thuê tăng cao mà DN còn bị truy thu một khoản tiền thuê đất rất lớn từ nhiều năm trước khiến nhiều đơn vị “trở tay không kịp”, thậm chí có nguy cơ phá sản. Theo ông Đỗ Văn Biên, Công ty CP Giày dép Nam Á, việc nhà nước yêu cầu DN phải nộp tiền thuê đất từ vài năm trước trong một lúc khiến DN không thể xoay xở được vì số tiền truy thu có khi chiếm… nửa số vốn hiện có. Đại diện Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn cho biết một công ty con của đơn vị này đang bị truy thu 90 tỉ đồng tiền thuê đất từ năm 2006 đến nay, trong khi vốn điều lệ công ty chỉ có 60 tỉ đồng, như vậy số tiền thuê đất bị truy thu lớn gấp 1,5 lần vốn điều lệ.
Ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá Sở Tài chính TP HCM, cho biết căn cứ tính tiền thuê đất dựa theo bảng giá đất công bố hằng năm của UBND TP. Tuy nhiên, giá đất theo bảng giá đất của UBND TP trước thời điểm năm 2006 chỉ bằng 30% giá thị trường nhưng sau đó đã tính trên cơ sở giá thị trường. Việc áp dụng tính tiền thuê đất theo giá thị trường còn nhằm tránh tình trạng hàng hóa của Việt Nam bị áp thuế chống bán phá giá tại các thị trường xuất khẩu. Mới đây, Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1-7-2014 cũng áp tiền thuê đất theo giá thị trường.
Lộ trình tăng giá không phù hợp
Dù vậy, thời điểm đưa ra chính sách tăng tiền thuê đất là chưa phù hợp do năm 2010 thị trường bất động sản đóng băng, kinh tế khó khăn nên việc tăng giá đất đã “gây sốc” cho các DN. “Bức xúc của DN liên quan đến tiền thuê đất chủ yếu là lộ trình tăng giá không phù hợp. Trong giai đoạn kinh tế khó khăn, hàng loạt DN phải đóng cửa, việc tăng tiền thuê đất đột ngột sẽ khiến cộng đồng DN ngày càng kiệt quệ. Do đó, cần có lộ trình tăng giá và có thông báo để DN có thể điều chỉnh chiến lược kinh doanh của mình” - ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Sadaco, nhận xét.
Sở Tài chính đã kiến nghị với Bộ Tài chính cho phép TP HCM không tính giá đất theo giá thị trường mà xây dựng hệ số xác định tiền thuê đất bằng 2 lần bảng giá đất của TP nhằm giảm áp lực về tiền thuê đất cho DN. Theo các DN, nhà nước cần có lộ trình hợp lý khi tăng giá thuê đất để DN chủ động trong các kế hoạch sản xuất, kinh doanh; nên có chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN như: việc giãn thời hạn nộp tiền thuê đất bị truy thu, không tính tiền phạt chậm nộp và nên thống nhất một cơ quan đầu mối phụ trách về tiền thuê đất.
DN cần chủ động tiếp cận văn bản
Bà Lê Thị Tám, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cho rằng vướng mắc liên quan đến tiền thuê đất của DN chủ yếu là do việc triển khai, tiếp cận các văn bản pháp luật chưa kịp thời. Một số trường hợp DN bị truy thu số tiền lớn là do chưa xác định lại đơn giá thuê đất giữa 2 chu kỳ. Do đó, DN cần chủ động tiếp cận văn bản, xác định đơn giá của chu kỳ sớm hơn để chủ động trong sản xuất và phân bổ lợi nhuận... Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 với nhiều chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN về tiền thuê đất.
Bình luận (0)