Giá vàng hôm nay ở thị trường trong nước tiếp tục duy trì ở vùng cao kỷ lục dù giá vàng thế giới đang có dấu hiệu hạ nhiệt.
Lúc 8 giờ 30, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 71,5 triệu đồng/lượng, bán ra 73,5 triệu đồng/lượng, ổn định so với cuối ngày hôm qua sau khi nhảy vọt cả 4 triệu đồng chỉ trong một ngày.
Biên độ chênh lệch tiếp tục được các doanh nghiệp giữ ở mức rất cao 2 triệu đồng/lượng.
Một số doanh nghiệp còn hạ giá mua vào với vàng SJC chỉ còn 70,9 triệu đồng/lượng, đẩy chênh lệch giá mua - bán giãn rộng lên tới 3,6 triệu đồng/lượng. Với mức chênh lệch này, người mua vàng thời điểm này nếu bán ngay sau đó sẽ rất rủi ro.
Riêng công ty vàng Doji đến sáng nay vẫn neo giá vàng ở mốc 71,5 triệu đồng/lượng mua vào và 74 triệu đồng/lượng bán ra.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại được giao dịch quanh 55,85 triệu đồng/lượng mua vào, 56,7 triệu đồng/lượng bán ra, giảm 300.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua.
Chênh lệch giá vàng SJC và vàng trang sức tiếp tục ở mức rất cao 16,8 triệu đồng/lượng.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng hôm nay lúc 8 giờ 30, theo giờ Việt Nam được giao dịch ở mức 1.984 USD/ounce, giảm so với mức đỉnh vượt 2.000 USD/ounce vào đêm hôm qua trên thị trường quốc tế.
Tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 23.171 đồng/USD, tăng 12 đồng/USD so với hôm qua. Giá USD ở các ngân hàng thương mại được giao dịch quanh 22.710 đồng/USD mua vào, 22.990 đồng/USD bán ra, tăng 10 đồng mỗi USD so với hôm qua.
Giá vàng hôm nay của thế giới tăng giảm dữ dội
Đêm qua, giá vàng thế giới có lúc tăng 30 USD/ounce, từ 1.972 USD/ounce vọt lên 2.002 USD/ounce - mức giá cao nhất trong vòng 1,5 năm qua. Thế nhưng, khi Nga thông báo ngừng bắn và mở các hàng lang nhân đạo tại 4 thành phố của Ukraine, lập tức giới đầu tư ồ ạt bán ra, giá vàng thế giới giao ngay giảm mạnh 42 USD/ounce xuống còn 1.960 USD/ounce lúc 20 giờ ngày 7-3.
Tiếp đến, thị trường tiếp nhận thông tin Mỹ và một số quốc gia ở châu Âu xem xét ngưng nhập khẩu dầu thô của Nga. Giá dầu thô có lúc lao lên 139 USD/ thùng - mức cao nhất kể từ năm 2008, đồng thời giá lúa mì cũng đạt mức cao nhất trong 14 năm qua. Điều này càng làm gia tăng thêm sự lo lắng trên thị trường, tạo thêm áp lực lên lạm phát vốn đã trở thành vấn đề lớn trong thời gian gần đây.
Theo đó, có thể các nhà đầu tư tài chính lo ngại việc nắm giữ chứng khoán là vô cùng rủi ro nên họ đã bán tháo cổ phiếu. Kết quả, thị trường chứng khoán Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… đỏ sàn. Dòng tiền từ chứng khoán lại dồn vào kim loại quý giúp giá vàng hôm nay bật tăng trở lại.
Mặt khác, báo cáo mới nhất của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) chỉ ra lo ngại lạm phát tăng cao và bất ổn địa chính trị do xung đột Nga-Ukraine đã thúc đẩy các quỹ đầu tư mua vào 35,3 tấn vàng trong tháng 2-2022. WGC cho rằng sự thèm muốn của nhà đầu tư đối với vàng sẽ không thay đổi trong ngắn hạn, dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào giữa tháng 3-2022.
Có lẽ thông tin của WGC đã thúc đầy nhiều người tăng nhu cầu trú ẩn vào vàng. Thế nên khi giá vàng thế giới rơi xuống vùng 1.960 USD/ounce, họ liền nhanh tay mua vào.
Chỉ sau vài giờ giao dịch, giá vàng hôm nay của thế giới giành lại 39 USD/ounce, từ 1.960 USD/ounce vọt lên 1.999 USD/ounce lúc 6 giờ ngày 8-3. Giá vàng kỳ hạn tháng 4 -2022 giao dịch lần cuối cũng mức 1.986 USD/ounce. Các thị trường quan trọng khác ghi nhận USD tiếp tục tăng giá so với nhiều ngoại tệ khác và đạt mức cao nhất trong gần 2 năm qua, lãi suất trái phiếu Mỹ giao dịch tại 1,73%/năm…
Trước đó, thị trường vàng Việt Nam ngày 7-3 biến động khá hỗn loạn. Cụ thể, sau khi tăng 1,2 triệu đồng/lượng để cán mức 70,5 triệu đồng/lượng (bán ra), giá vàng SJC tiếp tục tăng thêm 1,2 triệu đồng/lượng lên 71,7 triệu đồng/lượng lúc 11 giờ cùng ngày. Và chỉ 30 phút tiếp theo, giá vàng SJC lại tăng tiếp 1,15 triệu đồng/lượng, thiết lập mức giá mới 72,85 triệu đồng/lượng.
Đến đầu giờ chiều 7-3, giá vàng SJC lại giảm mạnh 650.000 đồng/lượng xuống còn 72,2 triệu đồng/lượng nhưng sau đó lại tăng mạnh trở lại 1,3 triệu đồng/lượng để cán mức 73,5 triệu đồng/lượng.
Như vậy, nếu tính mức giá vào cuối ngày 6-3 là 69,7 triệu đồng/lượng thì đến cuối ngày ngày 7-3, giá vàng SJC đã tăng tổng cộng 3,8 triệu đồng/lượng để thiết lập kỷ lục mới 73,5 triệu đồng/lượng.
Một số chủ tiệm vàng cho biết tuy từ 6 giờ đến 17 giờ ngày 7-3, giá vàng thế thế giơi chỉ tăng 30 USD/ounce (tương đương 800.000 đồng/lượng) nhưng mỗi khi có người cần mua vàng miếng là các doanh nghiệp lớn tăng giá vàng SJC thêm hàng triệu đồng/lượng và có lúc giá mua vào thấp hơn bán ra gần 2 triệu đồng/lượng. Ngược lại, khi sức mua có dấu hiệu suy yếu, họ chỉ giảm giá vàng SJC vài trăm ngàn đồng/lượng.
"Trong các ngày gần đây, ngoài ảnh hưởng của giá vàng thế giới, giá vàng trong nước còn có nhiều yếu tố tác động hết sức bất thường. Thậm chí để tham khảo giá vàng trong nước, có thời điểm người dân không thể truy cập trang web của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)"- chủ một tiệm vàng ở chợ Tân Định (TP HCM) nói.
Bình luận (0)