Lúc 16 giờ ngày 11-7, giá vàng SJC được các doanh nghiệp niêm yết mua vào 67,6 triệu đồng/lượng, bán ra 68,2 triệu đồng/lượng - giảm 300.000 đồng mỗi lượng so với buổi sáng.
Đây là mức giảm khá mạnh của giá vàng SJC trong những ngày qua. Những ngày trước, khi giá vàng thế giới giảm sâu, thậm chí lao dốc nhưng giá vàng SJC vẫn trụ ở mức rất cao.
Trong khi đó, giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại vẫn ổn định quanh mức 51,9 triệu đồng/lượng mua vào, 52,8 triệu đồng/lượng bán ra.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng lúc 16 giờ, theo giờ Việt Nam, cũng khá ổn định khi được giao dịch quanh 1.738 USD/ounce. Trong phiên, có thời điểm giá vàng thế giới giảm xuống 1.735 USD/ounce rồi lại hồi phục nhẹ.
Giá USD tự do tiếp tục tăng
Diễn biến đáng chú ý hôm nay là giá USD tiếp tục tăng trên thị trường tự do. Hiện một số điểm thu đổi ngoại tệ giao dịch giá USD mua vào 24.080 đồng/USD, bán ra 24.180 đồng/USD, tăng khoảng 60 đồng/USD so với hôm qua.
Một số tiệm vàng ở TP HCM cho hay giá USD tự do không ngừng tăng những ngày qua. Nhu cầu bán USD của người dân cũng tăng khi thấy giá lên cao.
Trong khi đó, giá USD ở các ngân hàng thương mại lại giảm 10 đồng/USD so với hôm qua, được giao dịch quanh 23.210 đồng/USD mua vào, 23.490 đồng/USD bán ra.
Hiện giá USD trên thị trường tự do đang cao hơn các ngân hàng thương mại khoảng 690 đồng/USD.
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán - HSBC Việt Nam, nhận định việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tiếp tăng lãi suất điều hành 3 lần chỉ trong 6 tháng đầu năm nay và dự kiến tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ trong thời gian tới, đồng USD quốc tế tăng giá mạnh khiến đồng tiền của nhiều nền kinh tế lớn và đang phát triển mất giá mạnh. Những diễn biến này tác động bất lợi tới cân đối cung cầu ngoại tệ và tâm lý thị trường trong nước, gây áp lực đối với sự ổn định của tỉ giá và thị trường ngoại tệ.
Trước bối cảnh đó, tỉ giá USD/VNĐ không có xu hướng giảm như năm 2021 mà từ đầu năm 2022 đến nay tăng khoảng 2% so với cuối năm ngoái.
"Có điều, thị trường quốc tế biến động mạnh nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn hoạt động ổn định. Ngân hàng Nhà nước điều hành tỉ giá theo hướng vừa tạo dư địa để tỉ giá diễn biến linh hoạt, hấp thụ các cú sốc bên ngoài, vừa can thiệp thị trường ngoại tệ để hạn chế biến động quá mức của tỉ giá, góp phần bình ổn thị trường ngoại tệ, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát" – ông Ngô Đăng Khoa nhận định.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh thị trường diễn biến bất lợi, nhiều áp lực như hiện nay, với quy mô dự trữ ngoại hối đã được Ngân hàng Nhà nước mua vào và củng cố mạnh mẽ trong các giai đoạn trước đây, cơ quan này đã, đang và sẽ tiếp tục bán ngoại tệ để bình ổn thị trường.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tăng tần suất bán can thiệp ngoại tệ để sẵn sàng bổ sung nguồn cung cho thị trường thường xuyên hơn nữa, qua đó tạo điều kiện cho hệ thống tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu ngoại tệ. Trong đó, có nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất - kinh doanh trong nước và xuất khẩu, qua đó góp phần bình ổn thị trường và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Bình luận (0)