Theo dữ liệu đo lường bán lẻ của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen về ngành hàng tiêu dùng nhanh năm 2012, nhóm hàng sữa đóng góp 13% trong tổng doanh thu ngành. Đặc biệt, nhóm hàng sữa có tốc độ tăng trưởng về giá trị cao nhất, khoảng 20% về giá trị so với năm 2011 trong khi tốc độ trung bình của hàng tiêu dùng nhanh là 16%. Trong đó, mặt hàng sữa tươi tăng trưởng nóng nhất do xu hướng thích sử dụng các sản phẩm gần với thiên nhiên của người tiêu dùng. Hầu hết gia đình có con nhỏ trên 1 tuổi đều cho bé uống sữa tươi hoặc kết hợp thêm với sữa bột.
Trước tiềm năng lớn của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành nguyên liệu như TH True Milk đầu tư trang trại nuôi bò sữa công nghệ cao tại Nghệ An vào cuối năm 2013 với khoảng 45.000 con. Vinamilk cũng công bố thông tin nhập bò sữa để bổ sung cho các trang trại của mình.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết bò sữa cho năng suất cao nhất ở những vùng có khí hậu ôn đới, nhiệt độ từ 10-15 độ C. Vì thế, tại Việt Nam chỉ có các vùng như Mộc Châu (Sơn La) và Lâm Đồng là có điều kiện tự nhiên thuận lợi, cho ra sữa tươi giá thành thấp. Còn lại, các vùng khác nuôi bò sữa giá thành sẽ cao do năng suất thấp và phải tốn nhiều chi phí cho việc đầu tư chuồng trại, chống nóng cho bò.
“Tuy điều kiện tự nhiên bất lợi nhưng sữa tươi là nguồn dinh dưỡng có tỉ lệ tiêu hóa canxi - phốt pho cao (làm chắc xương), các protein, axít amin... rất tốt cho sức khỏe và được người tiêu dùng ưa chuộng. Hơn nữa, việc nhập khẩu sữa tươi nguyên liệu cũng không khả thi do yêu cầu bảo quản ở nhiệt độ từ 2-4 độ C và cần đưa vào chế biến sau 2 ngày nên không thể đi bằng đường biển (mất ít nhất 7-8 ngày), còn đi máy bay giá thành cao nên chúng ta muốn uống sữa tươi buộc phải tự sản xuất. Chính nhu cầu của thị trường đã kích thích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này” - ông Vang phân tích.
Đại diện Công ty CP Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood cho biết đã có kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến sữa tươi trên diện tích 7 ha tại KCN Trà Đa (Gia Lai) với tổng vốn đầu tư 5.000 tỉ đồng. Giai đoạn 1 được triển khai trong 2 năm 2014-2015 với số vốn đầu tư gần 3.500 tỉ đồng, quy mô sản xuất khoảng 290 triệu lít sữa tươi.
Giai đoạn 2 được thực hiện trong các năm tiếp theo với số vốn đầu tư là 1.500 tỉ đồng để nâng công suất nhà máy sữa lên 500 triệu lít sữa tươi/năm. Toàn bộ nguyên liệu sữa tươi được lấy từ trang trại bò sữa của Hoàng Anh Gia Lai (cách nhà máy 40 km) với tổng đàn dự kiến lên đến 120.000 con được triển khai cùng thời gian. Có thể thấy quy mô lớn của dự án này khi so với tổng đàn bò sữa của nước ta hiện chỉ khoảng 186.000 con, mới đáp ứng được chưa tới 30% nhu cầu của cả nước, còn lại 70% vẫn phải nhập khẩu.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT NutiFood, chia sẻ: “Khi cùng Hoàng Anh Gia Lai đầu tư, phát triển dự án này, NutiFood đặt mục tiêu sẽ tạo ra sản phẩm sữa tươi 100% từ chính nguồn nguyên liệu trong nước với chất lượng tốt nhất mà giá cả cạnh tranh để mọi trẻ em Việt Nam đều có cơ hội được uống sữa tươi”.
Chú ý bảo quản
Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP HCM, lưu ý người tiêu dùng khi sử dụng sữa tươi nên hết sức chú ý về điều kiện bảo quản, nhất là sữa tươi thanh trùng vì rất dễ hư hỏng. Ngoài ra, không có loại sữa nào là tốt nhất cho tất cả người tiêu dùng mà tùy thuộc vào nhu cầu dinh dưỡng và cơ địa của từng người. Sữa tươi được ưa chuộng chủ yếu do mùi vị dễ uống, còn sữa hoàn nguyên thì phù hợp với vùng nông thôn, miền núi, nơi tủ lạnh chưa phổ biến.
Bình luận (0)