Trước đây, khi giá heo và gà xuất chuồng cao, người nuôi có lãi lớn nên họ chưa thật sự quan tâm đến giá thành.
Công việc thường xuyên
Không chỉ doanh nghiệp (DN) trong nước, nhiều DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) khi lên kế hoạch chăn nuôi tại Việt Nam cũng đưa ra giá thành khá cao, vì họ cho rằng với thị trường Việt Nam, đó là mức hợp lý. Đến khi giá heo và gà xuống thấp, có cả ê-kíp lãnh đạo DN FDI bị khiển trách, thậm chí cách chức. Ban lãnh đạo tập đoàn của họ từ nước ngoài phải sang Việt Nam để thiết lập lại hệ thống chăn nuôi, đặc biệt là kéo giá thành sản phẩm xuống mức hợp lý.
Ông Võ Văn Thiệu, Giám đốc Công ty Chăn nuôi và Chế biến thực phẩm Sài Gòn, cho biết bài toán hạ giá thành hiện được xem là sống còn của các DN chăn nuôi. Dù có lợi thế sản xuất thành chuỗi khép kín từ nhiều năm qua nhưng khi giá xuất chuồng heo, gà xuống thấp, công ty cũng bị ảnh hưởng đến lợi nhuận. Ngoài bộ phận sản xuất con giống, chăn nuôi heo thịt, công ty còn có cả hệ thống từ sản xuất thức ăn, nhà máy giết mổ, chế biến thực phẩm cho đến hệ thống phân phối.
Dù lợi thế khá lớn nhưng thời gian qua, công ty vẫn phải tập trung cao độ tìm mọi biện pháp để hạ giá thành chăn nuôi. Theo đó, công ty phải tìm nguồn nguyên liệu phù hợp, đủ dinh dưỡng với giá thành tốt. Bên cạnh đó, phải tăng năng suất lao động, giảm tỉ lệ thất thoát, chăm sóc gia súc, gia cầm tốt hơn. Tỉ lệ heo nái đẻ ra phải được nuôi dưỡng tốt… Nhờ vậy, công ty đã giảm giá thành chăn nuôi heo từ 39.000 đồng còn 34.000 đồng/kg.
Theo ông Thiệu, dù giá thành chăn nuôi đã giảm nhưng công ty vẫn phải quyết liệt hơn nữa để giảm giá thành còn 31.000-32.000 đồng/kg, nếu không sẽ khó cạnh tranh.
Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc Công ty CP Ba Huân, cũng cho hay công ty đã đầu tư công nghệ cao với chuỗi sản xuất khép kín nhằm tạo ra giá thành tốt nhất.
Các DN FDI trong thời gian qua cũng đã quyết liệt trong việc tái cơ cấu, kéo giảm giá thành nuôi heo còn 32.000-34.000 đồng/kg. Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam ngoài đầu tư công nghệ cao ngay từ đầu, các giải pháp đi theo là khuyến khích sáng tạo nhằm hạ giá thành. Đồng thời, cải tiến các công đoạn sao cho tốt nhất, tiến tới hoàn thiện theo mô hình chuồng kín, kiểm soát được nhiệt độ chăn nuôi, từ đó giúp vật nuôi phát triển tốt, phòng trừ được dịch bệnh.
Đại diện Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam giải thích để giảm được giá thành cần nhiều giải pháp đồng bộ, như đưa công nghệ tiên tiến vào hệ thống chuồng trại chăn nuôi tiến tới tự động hóa cao, kiểm soát được thời gian cho ăn, điều tiết thức ăn phù hợp với sự phát triển của vật nuôi; tiếp tục cải tạo con giống, cải tạo nguồn gien đạt chất lượng cao; tìm nguồn nguyên liệu thức ăn tốt hơn, có độ dinh dưỡng cao.
Nhiều mô hình chăn nuôi tiên tiến đã được doanh nghiệp áp dụng để giảm giá thành. Trong ảnh: Trang trại nuôi heo công nghệ cao được một doanh nghiệp đầu tư 6 triệu USD tại tỉnh Bình Phước
Đại diện Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam nhận định trước tình hình giá cả bất lợi như hiện nay buộc DN phải chấn chỉnh lại hoạt động chăn nuôi theo hướng tiết giảm chi phí sản xuất. Theo đó, rà soát lại các khâu, bộ phận nào không hiệu quả thì cắt giảm hoặc sắp xếp lại; quản lý lại vấn đề thuốc men, chuồng trại. Nhờ vậy, sau một năm chấn chỉnh, giá thành chăn nuôi của DN này đã giảm 10%-20%.
Ông Trần Văn Nhân, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bel Gà (Bỉ), cho biết để giảm giá thành, công ty đã tham gia chuỗi liên kết cùng nhiều đơn vị khác. Theo đó, Bel Gà cung cấp con giống với mức giá ổn định suốt năm, Công ty TNHH De Heus cung cấp thức ăn chăn nuôi và chịu trách nhiệm ký kết với các trang trại để cung cấp thức ăn, con giống với giá bảo đảm trang trại có lãi. Chuỗi này còn ký kết cung cấp gà cho các cơ sở giết mổ để phân phối ra thị trường. Công ty TNHH Bel Gà đã giảm được giá thành con giống đáng kể nhờ tăng được sản lượng cung cấp cho các trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp.
Cần sự hỗ trợ của nhà nước
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, nhìn nhận đến thời điểm này, các trang trại chăn nuôi heo ở Đông Nam Bộ đã đầu tư hệ thống chuồng kín để hạn chế rủi ro, cũng là biện pháp hạ giá thành. Những DN vốn lớn đầu tư cả hệ thống chuồng lạnh, giúp năng suất chăn nuôi tăng hơn 10%, dịch bệnh được hạn chế ở mức thấp nhất. Trang trại chăn nuôi có hệ thống chuồng lạnh trên địa bàn đã chiếm đến 10%.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiêp hội Gia cầm Miền Đông, xác nhận phần lớn trang trại quy mô lớn trong hiệp hội đã đầu tư hệ thống chuồng lạnh với vốn đầu tư lên đến 5 tỉ đồng/chuồng 20.000 con. Hệ thống chuồng này được tự động hóa các công đoạn cung cấp thức ăn, vệ sinh, nhiệt độ… nên giá thành chăn nuôi giảm đáng kể, hiện không thua kém các nước trong khu vực.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam, để hạ giá thành, cần nhanh chóng ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào chăn nuôi nhằm nâng cao chất lượng con giống, thức ăn. Chuồng trại cũng phải đạt chuẩn mới giúp vật nuôi phát triển tốt, hạn chế dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra, vai trò của nhà nước rất quan trọng trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, lai tạo giống tốt nhất để chuyển giao cho người chăn nuôi bởi chi phí con giống hiện chiếm gần 20% giá thành. Heo nái ở Việt Nam phổ biến đẻ dưới 20 con, trong khi ở nhiều nước đã khoảng 30 con.
Ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nhận định khâu trung gian còn là nguyên nhân đẩy giá bán lẻ gia súc, gia cầm lên cao. Để giảm khâu trung gian, phải tạo thành chuỗi liên kết trong chăn nuôi. Còn chăn nuôi nhỏ lẻ, theo phong trào, theo đám đông là còn thất bại.
Theo ông Vân, các tập đoàn chăn nuôi đã tập trung rà soát lại quy trình để giảm giá thành. Theo đó, giá thành chăn nuôi gà công nghiệp đã giảm còn 22.000 đồng/kg và đang hướng tới còn 20.000 đồng/kg. Tương tự, giá thành heo từ 38.000-40.000 đồng/kg trước đây, nay giảm còn 32.000-33.000 đồng/kg và tiến tới còn 30.000 đồng/kg. Ngoài nỗ lực từ phía DN, các chính sách của nhà nước cũng rất cần thiết để ngành chăn nuôi phát triển như việc tái cơ cấu ngành chăn nuôi, hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ…
Tiết giảm chi phí vận chuyển
Các tập đoàn FDI rất chú trọng đến việc phát triển những nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi. Những tập đoàn này thường khép kín từ sản xuất con giống, cung cấp thức ăn cho đến tổ chức chăn nuôi. Trong đó, một số DN còn có cả nhà máy chế biến thực phẩm, hệ thống phân phối sỉ và lẻ - nghĩa là khép kín từ sản xuất cho đến bàn ăn. Nhằm giảm giá thành chăn nuôi, nhiều DN thường xuyên đầu tư thêm nhà máy sản xuất thức ăn rộng khắp để tiết giảm chi phí vận chuyển. Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam vừa đầu tư thêm 135 tỉ đồng để xây dựng nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Bình Định với công suất 15.000 tấn/tháng. DN này đã có 5 nhà máy sản xuất thức ăn và cả chục trang trại chăn nuôi.
Tập đoàn CJ cũng vừa đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thứ 6 tại Việt Nam, công suất 324.000 tấn/năm với vốn đầu tư 448 tỉ đồng. Cargill Việt Nam vừa có thêm nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thứ 9 tại Việt Nam.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 19-3
Bình luận (0)