Tính đến ngày 31-12-2016, thu ngân sách cả nước vượt dự toán 79.600 tỉ đồng, vượt chỉ tiêu kế hoạch 7%. Một trong những yếu tố quan trọng góp phần đạt được nguồn thu trên là tăng cường công tác thanh - kiểm tra chống thất thu thuế. Tuy nhiên, tại không ít địa phương, tình trạng trốn thuế vẫn diễn ra rất phổ biến.
Kiểm tra là có gian lận
Ông Nguyễn Văn Yên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cho biết thất thu thuế lớn nhất của địa phương này thuộc 3 lĩnh vực: xăng dầu, kinh doanh vận tải và bất động sản. Đặc biệt là các doanh nghiệp (DN) vận tải có rất nhiều “mánh” để trốn thuế. Đơn cử như trường hợp DN có 200 đầu xe nhưng chỉ đăng ký kinh doanh vận tải tuyến cố định cho 100 xe, những xe còn lại dùng chạy hợp đồng, có doanh thu hay không là do DN tự kê khai. Không thể nào kiểm soát được số thu của những xe này để tính thuế.
Theo Luật Quản lý thuế, DN tự khai, tự nộp, ngành thuế chỉ thanh tra thuế theo kế hoạch kiểm soát rủi ro hằng năm với số lượng khoảng 20% tổng số DN trên địa bàn. Ông Yên cho biết tại địa phương, “đoàn thanh tra đi đến đâu truy thu đến đấy, kiểm chỗ nào cũng ra thuế. Những DN lớn cơ bản tuân thủ tốt việc kê khai thuế nhưng với DN nhỏ thì chưa có DN nào khi kiểm tra mà không phát hiện gian lận thuế. Mỗi lần nghe báo cáo, UBND và HĐND tỉnh đều hỏi sao để trốn thuế nhiều thế...”.
Hiện nay, Chính phủ có chính sách ưu đãi thuế GTGT bằng 0 trong một số lĩnh vực để tạo thuận lợi cho sản xuất - kinh doanh. Qua khảo sát thực tế trong lĩnh vực cà phê - trà tại Lâm Đồng, các công ty vẫn giữ nguyên giá bán, không giảm giá tương ứng với mức thuế GTGT được giảm cho người mua (5%-10%) và hưởng lợi số tiền này. “Một vấn đề nhức nhối khác là nhiều đối tượng lập công ty để buôn bán hóa đơn, xuất khống hàng hóa, chiếm đoạt tiền thuế GTGT thông qua khấu trừ, hoàn thuế. Có rất nhiều “công ty ma, hóa đơn thật” trong khi tỉnh không đủ cán bộ để hậu kiểm DN” - ông Yên nói.
Chống thất thu thuế, tăng cường thu hồi nợ đọng thuế là giải pháp được nhiều địa phương xác định là trọng điểm để hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách, bên cạnh việc cải thiện môi trường kinh doanh để thúc đẩy hoạt động sản xuất, tăng thu từ khu vực DN. Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết năm 2016, địa phương này đã có 1.198 cuộc thanh tra, truy thu truy hoàn thuế 3.278 tỉ đồng, thu nợ đọng 12.000 tỉ đồng.
Xử lý hình sự 23 vụ vi phạm
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2016, Tổng cục Thuế đã thanh tra, kiểm tra 75.008 DN và kiểm tra khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế gần 854.000 hồ sơ. Nội dung tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tiềm ẩn rủi ro về trốn thuế, gian lận thuế cao như dầu khí, xăng dầu, khai thác khoáng sản, bất động sản, chuyển nhượng dự án, thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng, DN kinh doanh đa cấp... Kết quả thanh - kiểm tra đã phát hiện và kiến nghị xử lý hơn 13.700 tỉ đồng, trong đó truy thu 10.750 tỉ đồng, xử phạt vi phạm hành chính gần 3.000 tỉ đồng.
Tổng cục Hải quan cũng đã thực hiện 9.678 cuộc thanh - kiểm tra nội bộ, kiểm tra sau thông quan; chủ trì điều tra chống buôn lậu và bắt giữ, xử lý 15.810 vụ. Tổng số tiền kiến nghị xử lý hơn 3.800 tỉ đồng, kiến nghị nộp ngân sách hơn 2.500 tỉ đồng.
Riêng về thanh - kiểm tra chống chuyển giá, Tổng cục Thuế đã kiểm tra 329 DN có hoạt động giao dịch liên kết, giảm lỗ hơn 5.100 tỉ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế hơn 2.100 tỉ đồng.
Trên cơ sở hồ sơ 2.776 vụ việc được chuyển giao từ ngành thuế, cơ quan công an đã xử lý hình sự 23 vụ, khởi tố điều tra 20 bị can có dấu hiệu vi phạm về thuế, trốn thuế, mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
Qua 11 tháng của năm 2016, Tổng cục Thuế đã thu được gần 36.500 tỉ đồng nợ đọng thuế của năm 2015.
Bình luận (0)