10 năm vẫn chưa xong
Theo ông Tâm, tháng 9-2007, bà Trần Thị Dung (ngụ quận 8, TP HCM) vay NH 900 triệu đồng, tài sản thế chấp là căn nhà do bà Dung đứng tên. Một tháng sau, bà Tâm lại bán căn nhà đó cho người thân (anh rễ) với giá 900 triệu đồng và 50 lượng vàng. Việc mua - bán chỉ thể hiện bằng giấy tay và trên thực tế bên mua không thanh toán tiền và vàng khiến bà Dung mất khả năng trả nợ NH. Sau đó, vụ việc được đưa ra tòa án giải quyết và toà yêu cầu bà Dung phải trả lại số tiền đã vay của NH, người thân của bà Dung phải trả lại nhà. “Thế nhưng, hiện các bên liên quan tiếp tục kháng cáo lên tòa cấp cao hơn nên chưa biết khi nào mới ngã ngũ, bao giờ NH mới xử lý được khoản nợ của bà Dung!”- ông Tâm ngao ngán.
Ông Phạm Chí Hiếu, Tổng giám đốc NH An Bình (ABBank), cho biết để giải quyết nợ xấu, hiện ABBank đã nộp hàng trăm hồ sơ lên tòa án khởi kiện khách hàng nhưng rất gian nan. Còn ông Nguyễn Hữu Đặng, Tổng giám đốc NH Phát triển TP HCM, cho rằng từ ngày khởi kiện cho đến khi xử lí được tài sản nợ phải mất vài năm, thậm chí có trường hợp 10 năm vẫn chưa giải quyết xong.
Theo các NH, do tỉ lệ nợ xấu lên tới 7,8% tổng dư nợ cho vay, áp lực giải quyết nợ xấu ngày càng tăng nên số vụ kiện khách hàng và số vụ thi hành án tồn đọng quá nhiều, nhất là các vụ việc liên quan đến bất động sản. Khi cơ quan thi hành án tổ chức phát mãi tài sản, luật pháp cho phép con nợ được quyền yêu cầu định giá lại tài sản nhưng không cần đưa ra lý do. Điều này tạo điều kiện cho khách hàng cố tình kéo dài thời gian thi hành án, xử lý tài sản…
Nhiều rào cản
Do xử lý nợ thông qua tòa án thường kéo dài nên các NH tính đến phương án thuyết phục khách hàng bán tài sản để sớm thu hồi nợ. Anh Trần Mạnh Linh, cán bộ trung tâm xử lý nợ của một NH ở Hà Nội, cho biết năm 2010, một cá nhân sử dụng tài sản của cha mẹ để thế chấp vay NH 10 tỉ đồng, sau đó không trả được nợ. Dù đã khởi kiện nhưng NH vẫn vận động khách hàng bán nhà, đất với giá cả hợp lý, NH sẽ mua và hỗ trợ tài chính cho khách hàng tìm chỗ ở mới. Tuy nhiên, do con nợ đưa ra giá quá cao nên NH phải trải qua hơn 10 lần đàm phán, bù đắp cho con nợ 300 triệu đồng mới mua được tài sản, giải quyết được một phần nợ xấu.
Tuy vậy, việc NH chủ động mua lại tài sản của con nợ cũng không đơn giản. Phó tổng giám đốc của một NH ở TP HCM cho biết Luật Các tổ chức tín dụng không cho phép NH mua bất động sản để kinh doanh, trừ trường hợp mua làm trụ sở. Do đó, muốn mua lại tài sản của khách hàng, NH phải lập dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp với kế hoạch của mình lẫn các quy định của pháp luật.
Bình luận (0)