xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Gian nan gọi vốn khởi nghiệp

Ngọc Ánh - Thanh Nhân

Nhà đầu tư có xu hướng cẩn trọng hơn trong việc lựa chọn dự án, ra quyết định rót vốn nên cơ hội chỉ dành cho những start-up có năng lực, có dự án khả thi và phương án sử dụng tiền tối ưu

Trong giai đoạn "vàng" của phong trào khởi nghiệp, các start-up, nhất là start-up lĩnh vực công nghệ, rất dễ nhận được đầu tư. Song, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, mọi chuyện trở nên khó khăn hơn

Không dễ gọi vốn như trước

Công ty CP Công nghệ Pety (mạng xã hội dành cho thú cưng Pety với 70.000 thành viên) được một nhà đầu tư thiên thần rót vốn 100.000 USD (hơn 2,3 tỉ đồng) hồi tháng 5-2021. Chị Trần Thị Thúy, sáng lập kiêm giám đốc điều hành công ty, cho biết nhờ tính toán rất kỹ, đến nay, khoản tiền này vẫn còn một ít.

"Khoản nào cần thiết mới chi, còn lại thì doanh nghiệp (DN) phải nỗ lực bằng việc kinh doanh sản phẩm chính hãng dành cho thú cưng, thu phí kết nối dịch vụ chăm sóc thú cưng để vượt qua giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay. Một số start-up khi nhận được vốn đã đổ vào việc thuê văn phòng hoành tráng, tăng nhân sự, tăng chi phí marketing… nhưng doanh thu không tăng ngay nên khi tiêu hết tiền, không gọi được thêm nhà đầu tư sẽ dễ đi đến phá sản" - chị Thúy nêu kinh nghiệm.

Người sáng lập mạng xã hội cho thú cưng đầu tiên của Việt Nam cho rằng start-up nào không gọi được vốn thì không thể đi nhanh, không bùng nổ được. "Năm 2023, Pety dự định đi ra nước ngoài nên có kế hoạch gọi vốn 500.000 USD cho khoảng 30% cổ phần. Dù khó khăn nhưng chúng tôi đang cố gắng thuyết phục các nhà đầu tư" - chị Thúy kỳ vọng.

Gian nan gọi vốn khởi nghiệp - Ảnh 1.

Nhiều start-up đang cần vốn để “bùng nổ”. Trong ảnh: Một số hoạt động cộng đồng của dự án Pety Ảnh: AN NA

Anh Phạm Ngọc Duy Liêm, đồng sáng lập kiêm Giám đốc tăng trưởng Công ty CP Công nghệ Gostream - chuyên cung cấp công cụ phát trực tiếp (livestream) đa nền tảng dành cho người bán hàng, đã thành công trong việc gọi vốn 1 triệu USD từ quỹ VinaCapital Ventures vào đầu năm 2021. Công ty này có kế hoạch gọi vốn lần 2 với khoản đầu tư từ 5-10 triệu USD vào cuối năm nay. Theo anh Liêm, việc gọi vốn hiện nay khó khăn hơn do các quỹ đầu tư đang rơi vào giai đoạn "mùa đông", bản thân các quỹ cũng gặp trở ngại trong việc gọi vốn từ công chúng.

Từ kinh nghiệm gọi vốn của bản thân, anh Liêm cho hay hiện nay, các nhà đầu tư ít mạo hiểm hơn nên họ chọn những dự án có tiềm năng sinh lời cao. "Tốt nhất là dự án phải đang có lãi, doanh thu hằng ngày phải cao hơn chi phí bỏ ra, chi phí đầu tư có thể "đóng băng" chưa tính đến. Còn dự án mà hằng ngày chi phí bỏ ra vẫn cao hơn tiền thu về, điểm hòa vốn và lợi nhuận còn xa thì rất khó đem đi gọi vốn trong thời điểm này.

Tiếp đến là tốc độ tăng trưởng của dự án, số liệu được xem xét trong 6 tháng gần nhất và quy mô thị trường. Dự án tăng trưởng cao, quy mô phát triển lớn sẽ được ưu tiên đầu tư. Bên cạnh đó, đội ngũ sáng lập, tính độc đáo không thể sao chép của dự án cũng được các nhà đầu tư đặc biệt chú trọng" - anh Liêm nhận xét.

Lực đẩy để start-up chuyên nghiệp, trách nhiệm hơn

Sự thận trọng của các quỹ đầu tư thể hiện rõ qua xu hướng chọn lọc dự án để rót vốn và chiến lược đầu tư.

Gần 2 năm nay, Công ty CP Quản lý Quỹ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Việt Nam (ICM) cùng các nhà đầu tư thiên thần đầu tư mới và đầu tư bổ sung cho 4 DN trong các lĩnh vực công nghệ thông tin và IOT. Hầu hết các DN này đều đã ở giai đoạn hoàn thiện sản phẩm và có doanh số tăng trưởng ổn định. Lĩnh vực kinh doanh của họ không chịu ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch và là xu hướng mới của các ngách kinh doanh, cùng với đội ngũ doanh nhân có năng lực và kiên trì theo đuổi hoàn thiện sản phẩm.

Ông Nguyễn Việt Đức - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo Saigon Times, nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc ICM - cho biết từ đầu năm 2021 đến nay, tình hình chung của kinh tế vướng phải nhiều thách thức, mảng đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng vậy.

"Không thể phủ nhận việc có nhiều start-up đã bị đặt lại phía sau trong hành trình vừa qua. Các hình thức gọi vốn bắt đầu hướng tới các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có hệ sinh thái rộng hoặc có yếu tố nước ngoài. Nghĩa là việc gọi vốn khó khăn với nhiều DN nhưng cũng là cơ hội cho nhiều DN khác sau khi vượt qua các khó khăn, thử thách về việc chuyển dịch mô hình kinh doanh và thích nghi với hoàn cảnh kinh doanh mới" - ông Đức nhìn nhận.

Theo bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hiệp hội Đầu tư thiên thần Đông Nam Á và là "bà đỡ" của khá nhiều start-up Việt, nhà đầu tư thiên thần không thiếu. Tuy nhiên, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các nhà đầu tư cẩn trọng hơn trong lựa chọn, không đầu tư dàn trải, không bỏ vốn cho start-up đốt tiền mà muốn nhìn thấy lộ trình tạo doanh thu rõ ràng.

"Trước đây, start-up chỉ cần có ý tưởng là đã có thể gọi vốn thành công. Nhưng hiện nay, ý tưởng đó phải được hiện thực hóa bằng dự án có doanh thu, lộ trình phát triển, đặc biệt phải chứng minh cho nhà đầu tư thấy là có trách nhiệm với đồng tiền họ bỏ vào công ty" - bà Phi Vân giải thích.

Ở góc độ nhà đầu tư, đại diện ICM cho rằng để gọi vốn thành công, trước hết start-up phải có mô hình kinh doanh sắc bén, sáng tạo và khác biệt; có đội ngũ nhân sự có khả năng thực thi đồng thời các lợi thế cạnh tranh có thể tạo ra.

Ngoài ra, start-up cần chú ý tới khâu phát triển khách hàng, tiếp nhận phản hồi từ thị trường và không ngừng gọt giũa các phương thức kinh doanh để có thể kịp thời thích ứng. Tất cả những điều đó cần chứng minh được với nhà đầu tư, cho họ thấy có cơ hội để cất cánh và phát triển mạnh khi nhận được sự hỗ trợ, các mảnh ghép còn thiếu được bù đắp từ nhà đầu tư.

Trên thực tế, nhiều start-up có năng lực và dự án tốt đã gọi vốn thành công. Theo kinh nghiệm của các start-up, hiện có nhiều quỹ đầu tư và tiêu chí của từng quỹ khác nhau nên các start-up phải xem xét sự phù hợp để gọi vốn đúng nơi thì khả năng thành công sẽ cao hơn.

Nhiều cách để start-up "tự thân vận động"

Sau 6 năm khởi nghiệp mảng nông nghiệp, anh Lê Trọng Kha, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành LeKhaMart (thương hiệu bán lẻ về nông sản, thực phẩm sạch), đang thực hiện dự án "189 ngày khởi nghiệp cùng bạn" để hỗ trợ các start-up lĩnh vực nông nghiệp. Tại mỗi tỉnh, thành, anh Kha dành 3 ngày để chia sẻ thông tin, giúp kết nối thị trường miễn phí.

"Trong quá trình làm việc với các start-up, tôi nhận ra hầu hết họ than khó gọi vốn nhưng khi hỏi kỹ thì vấn đề nhiều khi có thể giải quyết mà không cần đến tiền của nhà đầu tư" - anh Kha đúc kết. Theo anh, chủ dự án có tiềm năng, có uy tín có thể mua hàng trả chậm từ nhà cung cấp; có thể tính đến giải pháp gia công để khỏi nặng chi phí ban đầu và sử dụng các kênh quảng bá miễn phí hoặc với chi phí thấp… "Quan trọng là start-up phải xác định rõ cần tiền để làm gì và làm sao để có hiệu quả nhất" - anh Kha gợi ý.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo