Theo dự án Luật Đặc khu được các cơ quan trung ương và địa phương soạn thảo, luật này có 92 điều, trong đó, từ điều 39 đến điều 65 có 2 phương án. Ở phương án 1, quy định quyền hạn tập trung ở trưởng đặc khu và hội đồng đặc khu có trách nhiệm giám sát. Ở phương án 2, chính quyền đặc khu là HĐND đặc khu và UBND đặc khu; đứng đầu UBND là chủ tịch như pháp luật hiện hành. Cả 2 phương án đều có những điều khoản đặc biệt về cơ chế cho đặc khu. Gần 100 đại biểu đến từ bộ, ngành, địa phương đã thảo luận, đa số nghiêng về phương án 1 là trưởng đặc khu là người đứng đầu đặc khu.
Trưởng đặc khu có tổng cộng 128 quyền hạn đặc biệt ở nhiều lĩnh vực như: quyết định biện pháp thực hiện nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, phòng chống tội phạm…; quyết định đặt đổi tên đường phố trong lĩnh vực xây dựng chính quyền; cấp phép hoạt động, kinh doanh, lữ hành quốc tế cho các doanh nghiệp, thành lập các khu công nghiệp trong lĩnh vực kinh tế… Nhiều lĩnh vực khác có quyền hạn ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ như: quyết định thu hồi, giao đất, cho thuê đất, thuê khu vực biển; quyết định miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, đất lúa; quyết định thiết lập giao lưu văn hóa, kinh tế, kỹ thuật với địa phương ở nước ngoài...
Ông Nguyễn Tấn Thoại - Chủ tịch HĐND huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa (địa phương có địa giới dự kiến làm Đặc khu Bắc Vân Phong) - đề nghị nếu trao quyền rất lớn cho trưởng đặc khu thì phải giao quyền giám sát cho Hội đồng Đặc khu. Hội đồng này có cơ cấu đại diện là HĐND tỉnh và các bộ, ngành.
Ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, nhấn mạnh đã là đặc khu thì phải đặc biệt, nhưng phải bảo đảm phù hợp Hiến pháp, Công ước quốc tế mà nước ta là thành viên. Đồng thời, đội ngũ nhân lực phải có yếu tố quốc tế, năng lực rất cao. Phó chủ tịch Quốc hội yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần sớm hoàn thiện đề án để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tới, hy vọng sẽ sớm thông qua vào tháng 5-2018.
Bình luận (0)