Theo đó, ngành vẫn duy trì kế hoạch xuất khẩu 42 tỉ USD đã đề ra từ đầu năm nhưng thay đổi mục tiêu của một số thị trường như: Trung Quốc tăng 10%, ASEAN tăng 9% và các thị trường khác cũng phải tăng 9% để bù đắp sự sụt giảm của thị trường Mỹ, châu Âu (EU).
Theo Bộ NN-PTNT, thị trường Mỹ, EU có thể phải đến tháng 6, 7 tới mới có thể phục hồi sau khi khống chế được dịch bệnh; Nhật Bản, Hàn Quốc có thể khôi phục từ tháng 6 nhưng mức tăng trưởng nhập khẩu nông sản Việt Nam không nhiều.
Riêng thị trường Trung Quốc đang hồi phục, từ tháng 4 nhu cầu có thể tăng cao, nhất là các mặt hàng thực phẩm do nước này đã kiểm soát được dịch bệnh. Chỉ riêng nửa đầu tháng 3, cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) đã có 624 container hàng tương đương 15.156 tấn được thông quan gồm: 169 container trái cây (thanh long, xoài, mít, chuối), 290 container bột sắn, 165 container thủy hải sản tươi sống.
Theo ngành nông nghiệp, đây là cơ hội tốt dành cho việc tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông sản, thị trường Trung Quốc sẽ là khu vực quyết định, chi phối đầu ra cho nông sản Việt Nam trong năm 2020. Bộ cũng lưu ý các nhà máy chế biến cần tăng cường công suất, tập trung phân khúc hàng khô, sơ chế, sản phẩm cấp đông, nước quả cô đặc, trái cây ép đóng lon, thủy sản đồ hộp chế biến, gạo, gia cầm chế biến… để chuẩn bị tốt nhất phương án sau dịch cho thị trường Trung Quốc, EU, Mỹ; đặc biệt khi mùa hè quay trở lại.
Bình luận (0)