Dù thị trường Trung Quốc đã có dấu hiệu cải thiện nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp nên doanh nghiệp (DN) chưa thể lạc quan về triển vọng kinh doanh.
Giá thanh long chấp nhận được
Ngày 20-3, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, cho biết hiện tiêu thụ thanh long tương đối ổn do Trung Quốc nhập hàng trở lại.
"Giá thanh long ruột đỏ đã lên 18.000 đồng/kg, thanh long ruột trắng 14.000 đồng/kg, dù chưa được như kỳ vọng của nông dân vì đang là thời điểm trái vụ nhưng có thể chấp nhận được khi xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, EU, Hàn Quốc... cũng đang gặp khó. Nếu không có dịch bệnh, giá thanh long phải cao hơn vì năm nay sản lượng trái hụt đến 50% do ảnh hưởng hạn mặn" - ông Trịnh nói.
Giữa lúc thị trường Trung Quốc vẫn chưa ổn định, ông Trịnh cho rằng người trồng thanh long vẫn phải tiếp tục đa dạng hóa thị trường để không phải kêu gọi giải cứu như thời gian qua.
Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã được cải thiện sau thời gian đình trệ do dịch bệnh Covid-19. Ảnh: NGỌC TRINH
"Các HTX thanh long đã ký được nhiều hợp đồng cung ứng hàng vào siêu thị để phát triển thị trường nội địa. Đặc biệt, để giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm tươi, thanh long đã được phân loại từ đầu để đưa vào chế biến như sấy, nước ép, cấp đông... Những mặt hàng này được dự báo sẽ tiêu thụ mạnh khi Trung Quốc kiểm soát được dịch bệnh, người dân ở đó mua sắm trở lại" - ông Trịnh kỳ vọng.
Dịch Covid-19 ảnh hưởng mạnh đến tiêu thụ cá tra do thị trường Trung Quốc chiếm 35% thị phần xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam. Do đó, các DN hy vọng nhiều vào thị trường này hồi phục sau 2 tháng đầu năm sụt giảm nghiêm trọng.
Ông Ong Hàng Văn, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Trường Giang (Đồng Tháp), xác nhận 2 tuần nay, khách hàng Trung Quốc bắt đầu mua hàng trở lại với sản lượng khoảng 30% so với trước đây bởi hệ thống logistics của họ vẫn chưa khôi phục hoạt động. "Chúng tôi kỳ vọng sang quý III, giao thương với Trung Quốc mới trở lại như cũ nên năm 2020, xuất khẩu cá tra chưa thể hồi phục như năm 2019" - ông Văn dự đoán.
Theo nhiều DN cá tra, để ổn định thị trường, các DN lớn đều xuất khẩu trực tiếp, không bán qua trung gian để bảo đảm chất lượng.
Cần khai thác cơ hội
Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Vinamit, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nông nghiệp trang trại nông thôn Việt Nam - cho rằng thị trường Trung Quốc đã có dấu hiệu mua hàng trở lại nhưng chưa ổn định.
"Thông thường các ngành hàng nông sản, thực phẩm sẽ hồi phục sớm so với những ngành hàng khác nhưng phải đợi vài tháng nữa để biết thị trường diễn biến ra sao. Trung Quốc tuy đã kiểm soát được dịch Covid-19 nhưng sẽ gặp vấn đề như Việt Nam hiện nay là nguồn lây từ nước ngoài. Do đó, các hoạt động kiểm soát dịch bệnh vẫn phải tiến hành chặt chẽ, ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa. Điểm nổi bật có thể nhận thấy là thị trường Trung Quốc đang hút mạnh các mặt hàng thực phẩm chất lượng cao, tốt cho sức khỏe, tăng sức đề kháng" - ông Viên nhận xét.
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TP Cần Thơ), cho rằng DN đã gặp khó khăn trong ngắn hạn khi tình hình dịch bệnh Covid-19 xảy ra và Trung Quốc đóng cửa khẩu. Tuy nhiên, tại thời điểm Trung Quốc chưa kiểm soát được dịch bệnh, một số DN gạo vẫn tự tin cho rằng về dài hạn, họ không "mất cửa" sang thị trường này.
"Năm 2019, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sụt giảm mạnh. Đầu năm 2000, thị trường phát ra tín hiệu cho thấy Trung Quốc sẽ nhập gạo nhiều hơn. Tuy nhiên, đáng tiếc là 2 tháng đầu năm, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc khá phức tạp nên xuất khẩu gạo qua đây chưa thể khởi sắc. Theo đánh giá, sau khi thị trường Trung Quốc hồi phục và nước này giảm dần tồn kho lương thực do sản xuất bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, họ sẽ nhập hàng nhiều hơn. Đây là cơ hội cho các nhà xuất khẩu gạo của Việt Nam" - ông Bình nhận định.
Theo ông Bình, sau khi Trung Quốc khống chế được dịch bệnh, năm 2020, xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này có thể đạt mức cao hơn 500.000 tấn của năm 2019.
Bình luận (0)