Ông Trương Thanh Hoài, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương, cho rằng tiềm năng ngành công nghiệp hỗ trợ rất lớn, chỉ cần doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất được 10% - 15% linh kiện cho ngành sản xuất công nghệ cao là đã mang lại giá trị không nhỏ.
Thế nhưng, đa số DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có trình độ và năng lực sản xuất yếu; không tiếp cận, đáp ứng được yêu cầu của các tập đoàn đa quốc gia.
Chỉ là công nghiệp gia công, phụ thuộc
“Samsung cấp cho chúng tôi danh mục 100 sản phẩm cần gia công, thoạt đầu nghĩ rằng rất dễ làm nhưng sau khi làm việc với các DN điện tử, chúng tôi nhận được phản hồi là không có công nghệ để làm. Các tập đoàn, DN nhà nước còn nặng tư duy khép kín, chưa nghĩ ra hướng để tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất công nghiệp hỗ trợ.
Trong bối cảnh hiện nay, DN Việt Nam không đủ năng lực để sản xuất sản phẩm đáp ứng công nghệ với giá cạnh tranh nên phải nhập khẩu rất nhiều. Chỉ trong năm 2014, dự kiến tổng kim ngạch nhập khẩu linh kiện, phụ kiện ngành điện tử, dệt may, da giày khoảng 53,2 tỉ USD; trong khi tổng giá trị sản xuất công nghiệp của thành phần kinh tế nhà nước chỉ 40 tỉ USD” - ông Trương Thanh Hoài nói.
Theo GS-TS Võ Thanh Thu, Trường ĐH Kinh tế TP HCM, Việt Nam chỉ mới xây dựng được ngành công nghiệp gia công mang tính phụ thuộc chứ chưa thực hiện chủ trương “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Chủ trương phát triển công nghiệp phụ trợ có từ 2007 nhưng đến nay rất yếu kém.
Cụ thể: Ngành công nghiệp ô tô đặt mục tiêu 2010-2020 nội địa hóa 60% nhưng hiện chỉ đạt 7%-8%. Ngành dệt may thì đề ra kế hoạch năm 2015 nâng tỉ lệ nội địa hóa lên 60%, năm 2020 là 70% nhưng năm 2013 nhập khẩu 99% bông, 60% sợi, 70% vải.
Ngành cơ khí dự kiến năm 2020 nội địa hóa 75% nhưng công nghệ chế tạo cơ khí nội địa về tổng thể vẫn là công nghệ chế tạo đơn giản. Ngành điện tử nội địa hóa gần 20% nhưng thực chất chưa có công nghiệp điện tử mà chỉ mới có ngành lắp ráp điện tử...
Nhiều rào cản
TS Huỳnh Thanh Điền, Tổng Công ty 28 - Bộ Quốc phòng, chỉ ra nhiều rào cản khiến công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chậm phát triển. Rào cản đầu tiên là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đến Việt Nam chủ yếu sản xuất các khâu trung gian rồi bán cho DN lắp ráp hoàn thiện ở những quốc gia khác. Việt Nam chưa thu hút được các công đoạn hoạt động có giá trị gia tăng cao nên chưa tạo động lực về cầu cho công nghiệp phụ trợ trong nước.
Song song đó, các DN FDI vào Việt Nam sử dụng nguồn nguyên liệu, phụ liệu, thiết bị… được cung cấp bởi các đối tác chiến lược từ nước ngoài. Các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước thường không tiếp cận cung cấp đầu vào cho các DN FDI, một phần do chất lượng sản phẩm trong nước chưa bảo đảm, một phần do các DN FDI phần lớn đã có các công ty liên kết trong cùng tập đoàn cung ứng đầu vào.
Ngoài ra, chi phí trung bình cao, giá bán cao, chất lượng sản phẩm không đạt nên DN Việt Nam rất khó cạnh tranh, thuyết phục khách hàng…
Cuối cùng, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ mới dừng lại ở mức chỉ ra các ngành cần khuyến khích và những nội dung được Chính phủ ưu đãi cho DN tham gia công nghiệp hỗ trợ mà chưa có quy hoạch cụ thể cho phát triển lĩnh vực này.
Cùng quan điểm, GS-TS Võ Thanh Thu cho rằng cơ chế chính sách hỗ trợ công nghiệp hỗ trợ chưa rõ ràng. DN làm công nghiệp hỗ trợ đa số là DN vừa và nhỏ, khó tiếp cận vốn trong khi phát triển công nghiệp hỗ trợ cần vốn nhiều hơn 4-10 lần so với công nghiệp lắp ráp; rủi ro trong kinh doanh lớn vì sản phẩm mang tính đặc thù cao.
Cần quy hoạch lại
Ở góc độ địa phương, TS Hà Minh Trung, Văn phòng Tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, chỉ ra rằng chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ chưa chạm đến DN trong lĩnh vực này. Quyết định 12 của Thủ tướng nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ còn quá chung chung, ưu đãi cho DN công nghiệp hỗ trợ không khác gì ưu đãi cho DN nhỏ và vừa nên kém thu hút. DN mong có văn bản pháp lý cao hơn quyết định này nhưng chưa có.
Cũng theo TS Hà Minh Trung, cách đây 4 năm, Bộ Công Thương đã quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ hướng đến năm 2020 nhưng nhiều mục tiêu đến đã không thực hiện được, cần quy hoạch lại.
Chính sách đất đai cũng cần được đổi mới, tạo thuận lợi về quỹ đất cho các DN công nghiệp hỗ trợ thuê lâu dài, ổn định với giá ưu đãi; khuyến khích ngân hàng thương mại dành ưu tiên lãi suất và hạn mức tín dụng cho DN đầu tư công nghiệp hỗ trợ.
Về chính sách thuế, cần xếp các DN sản xuất công nghiệp hỗ trợ vào nhóm DN ưu đãi về thuế để được hưởng miễn giảm thuế như những DN đầu tư khác.
Được biết, Bộ Công Thương đang xây dựng nghị định về công nghiệp hỗ trợ. TP HCM sẽ đánh giá lại để xác định công nghiệp chủ lực, cơ chế chính sách tài chính và lập ban chỉ đạo về phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Hai điểm sáng
Theo Vụ Công nghiệp - Ban Kinh tế trung ương, bên cạnh nhiều tồn tại, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có 2 điểm sáng. Đó là công nghiệp chế tạo xe máy đã đạt tỉ lệ nội địa hóa linh kiện, phụ kiện lên đến 95%. Ở một số lĩnh vực sản xuất công nghiệp đã thu hút được khá nhiều DN FDI tham gia sản xuất linh kiện, phụ kiện (chiếm trên 80%).
Bình luận (0)