Ngày 12-7, hội thảo “ĐBSCL - Chủ động hội nhập và phát triển bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế ĐBSCL (MDEC) 2016 đã được tổ chức tại TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
Người trồng lúa luôn nghèo
Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, tỏ ra rất tự hào khi ĐBSCL là vùng sản xuất lương thực trọng điểm của cả nước, hằng năm đóng góp hơn 90% sản lượng gạo xuất khẩu, 70% sản lượng trái cây và gần 70% sản lượng thủy sản xuất khẩu.
Riêng năm 2015, sản lượng lúa ở ĐBSCL đạt 25,7 triệu tấn, xuất khẩu được 6,6 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, thực trạng kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới, nhất là trong quá trình hội nhập quốc tế.
Đại diện Bộ Công Thương cho rằng ĐBSCL từ lâu vẫn tồn tại những hạn chế, khó khăn, như: thiếu sự liên kết một cách có hiệu quả giữa các tỉnh, thành để hỗ trợ nhau cùng phát triển; chưa có chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp, tương xứng với thế mạnh của mình; sức cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ còn chưa cao; chưa tạo dựng được thương hiệu uy tín…
Theo TS Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Cần Thơ, ĐBSCL chiếm một nửa sản lượng nông nghiệp cả nước, có vai trò then chốt trong an ninh lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, nhìn lại cấu trúc và cơ cấu kinh tế của vùng sẽ thấy nó đang bị khiếm khuyết. Tỉ trọng nông nghiệp chiếm 33,1%, công nghiệp và xây dựng chiếm 25,25%, thương mại dịch vụ chiếm 41,65%.
Dù sự chuyển dịch đúng hướng nhưng diễn ra chậm, nông nghiệp đến nay chưa có địa phương nào ứng dụng công nghệ sản xuất thông minh để tăng giá trị và năng suất cao. Ngành nông nghiệp vẫn dựa trên chế biến nông thủy sản, với sản phẩm sơ chế…
GS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, cho biết thời gian qua, mỗi khi nhà nước kêu gọi tăng sản lượng lúa thì nông dân tăng rất dễ dàng. Thế nhưng, khi kêu gọi tăng lợi tức thì nhà nông rất khó thực hiện được, dẫn tới đại đa số nông dân không có tiền tích lũy. Nguyên nhân là vì điệp khúc “được mùa, rớt giá” cứ đeo bám mãi. Hơn nữa, chuyện hùa theo đám đông, trồng rồi chặt, chặt rồi trồng vẫn liên tục tái diễn ở ĐBSCL.
“Nông dân tự do nuôi trồng các cây, con để bán cho thương lái vì ít khi có doanh nghiệp (DN) đến mua. Trong khi đó, phần lớn DN mua hàng trôi nổi của thương lái theo cách “tìm ai bán rẻ nhất thì mua”. Từ đây dẫn tới chuyện nông dân và DN mất lòng tin lẫn nhau, ít gắn bó với nhau. Đó cũng chính là lý do nhà nông, đặc biệt là người trồng lúa, luôn nghèo nhất” - GS Võ Tòng Xuân băn khoăn.
Nắm bắt cơ hội lớn
Ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc VCCI tại Cần Thơ, cho rằng năm 2016 là cột mốc quan trọng cho một chu trình 10 năm phát triển mà cả nước đang tận dụng cơ hội lớn. ĐBSCL là khu vực quan trọng, năng động nên cần nắm bắt cơ hội lớn này để vực dậy nền kinh tế của vùng.
“Để làm được điều này, Chính phủ và chính quyền các địa phương cần có chính sách đặc thù riêng cho vùng ĐBSCL, nhất là liên kết vùng. Bởi lẽ, nhiều năm qua, ĐBSCL bị “vướng” bởi sự hợp tác trong quá trình đầu tư sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến; chưa có quy hoạch đồng bộ nguồn nguyên liệu tập trung tại một số địa phương; thiếu sự phân bổ cho các tỉnh, thành tập trung sản xuất công nghiệp chế biến… Điều này dẫn đến 13 tỉnh, thành ĐBSCL đều giống hệt nhau và thậm chí còn cạnh tranh nhau” - ông Lam đề nghị.
Về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, ông Lam cho rằng chỉ với một trục cao tốc dài 50 km (TP HCM - Trung Lương), một sân bay trung tâm (sân bay Cần Thơ) và hệ thống cảng biển đang chờ xây dựng… cho một vùng kinh tế lớn thì chưa đủ đáp ứng nhu cầu phát triển. Vì thế, cần sớm quy hoạch và đầu tư nhanh hơn các trục nối kết ĐBSCL với TP HCM, các trục ven biển, đẩy nhanh xây dựng hệ thống luồng thủy để cảng biển sớm hoạt động, góp phần thúc đẩy vận chuyển hàng hóa giao thương…
Theo ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cần phải có những định hướng chiến lược lẫn giải pháp thiết thực cho tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL trong “sân chơi mới”. Theo đó, quy hoạch lại sản xuất nông nghiệp theo vùng, theo quy mô liên kết vùng trên cơ sở gắn với cung - cầu thị trường.
Cần tạo môi trường thuận lợi để thiết lập và tăng cường các mối liên kết giữa DN với DN và HTX; giữa DN, HTX với người dân; giữa người dân với người dân để tổ chức, hình thành mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và bao tiêu sản phẩm chặt chẽ hơn. Tái cấu trúc nông nghiệp ĐBSCL phải theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung cải tạo giống cây trồng, vật nuôi, tạo và nhân nhanh các giống có năng suất, chất lượng và giá trị cao...
GS Võ Tòng Xuân cho rằng trong thế giới hội nhập, điều đầu tiên xảy ra là tự do thương mại. Do đó, các nước thành viên sẽ được bán hàng tự do, không bị đánh thuế. Từ đây, người tiêu dùng sẽ không còn chú ý đến câu khẩu hiệu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” nữa mà họ chọn mua hàng hóa tốt nhất nhưng giá rẻ nhất.
“Hiện nay, hàng hóa trong hệ thống siêu thị Metro và Big C phần lớn là của Thái Lan. Do đó, nếu chúng ta sản xuất hàng chất lượng thấp mà giá lại cao hơn hàng ngoại thì chắc chắn sẽ thua ngay trên sân nhà” - GS Võ Tòng Xuân lo ngại.
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: “Giai đoạn này, chúng ta cần phải nhận thức rõ cơ hội nào đang có và sẽ có; đồng thời chỉ ra những thách thức nào, nguy cơ nào đối với ĐBSCL để đưa ra những giải pháp căn cơ, thiết thực. Bởi lẽ, người dân và DN không muốn nghe nói chung chung nữa. Sắp tới đây, vì một ĐBSCL phát triển hơn, an toàn hơn, bền vững hơn thì chúng ta cần phải có những giải pháp căn cơ, chiến lược lâu dài và cần phải hành động ngay chứ không chần chừ nữa”.
Bình luận (0)