Theo kế hoạch ban đầu, Ngân hàng (NH) Nhà nước sẽ bơm tiền qua 5 NH thương mại để cho vay doanh nghiệp (DN) và cá nhân với cơ cấu tương ứng là 30% cho vay DN và 70% cho vay cá nhân. Như vậy, đối tượng được hỗ trợ chủ yếu là người vay thuê, mua nhà. Qua đó góp phần giải quyết nhà ở cho người dân, đồng thời cũng góp phần hỗ trợ DN qua việc tăng cầu nhà ở.
Mới có 48,92 tỉ đồng cho vay cá nhân
Trong ảnh: Một dự án căn hộ tại TP HCM vừa hoàn tất Ảnh: HỒNG THÚY
Lý giải nguyên nhân vì sao người dân rất khó tiếp cận nguồn vốn vay này, ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng NH Nhà nước, cho rằng mặc dù chính sách mang tính chất hỗ trợ nhưng cơ chế cho vay là cho vay thương mại. Các NH trực tiếp thẩm định và cho vay, thu nợ theo chế độ tín dụng và hoàn toàn chịu trách nhiệm nên điều kiện cho vay rất chặt chẽ để bảo đảm khả năng thu nợ. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là do thị trường thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá thấp, nhà ở xã hội.
Dễ lệch cung
Theo tiến độ chuyển đổi dự án từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, tại Hà Nội, đã có 21 dự án đăng ký chuyển đổi với quy mô khoảng 11.400 căn, 12 dự án khác đăng ký điều chỉnh quy mô xây dựng ban đầu 3.734 căn lên 5.234 căn. Tại TP HCM có 24 dự án đăng ký chuyển đổi với quy mô xây dựng khoảng 14.800 căn, 10 dự án khác điều chỉnh cơ cấu 2.183 căn hộ thành 3.084 căn hộ…
Tuy nhiên, tiến độ giải ngân của các NH còn ì ạch do điều kiện cho vay thiếu khả thi. Rất nhiều hồ sơ gửi đến đều bị “đánh rớt” vì không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn lãi suất 6%, tập trung chủ yếu ở khâu chứng minh thu nhập, khả năng trả nợ và xác nhận chưa có nhà ở hoặc có nhà ở nhưng không đủ diện tích tối thiểu 8 m2/người.
Theo ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên nhân ách tắc giải ngân gói 30.000 tỉ đồng là do cách đặt vấn đề không phù hợp, cho người dân vay mua nhà nhưng nguồn cung chưa có. Lẽ ra, nhà nước phải sử dụng các công cụ có trong tay để kích cầu vào phân khúc nhà ở giá rẻ phù hợp với sức mua của tầng lớp có thu nhập trung bình. Đó là giảm tiền thuê đất, giảm thuế, ưu đãi cho vay… để tạo sẵn nguồn cung nhà, có thể vào ở được ngay thì mới kích thích được sức mua của người dân.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng với quy định như hiện nay, rõ ràng là cho vay DN thuận tiện hơn so với cho vay khách hàng cá nhân. Như vậy, sẽ dẫn đến 2 tình huống, tiếp tục chấp nhận để chính sách chậm đi vào thực tế hoặc đề xuất hoán đổi mục tiêu 70% cho vay DN, 30% cho vay cá nhân để dễ hoàn thành nhiệm vụ đề ra. Nếu theo xu hướng thứ hai, gói 30.000 tỉ đồng dễ đi chệch hướng vì nguồn cung tiếp tục tăng lên trong khi cầu không được chú trọng, tiếp tục tái diễn tình trạng dư thừa của thị trường bất động sản.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM cũng có công văn gửi NH Nhà nước, Bộ Tài chính và các ngành liên quan cảnh báo khả năng nguồn cung nhà ở xã hội sẽ tăng lên do nhiều dự án khởi công mới được rót vốn từ gói 30.000 tỉ đồng. Trong khi đó, Nghị quyết 02 đề ra mục tiêu giải quyết hàng tồn kho bất động sản, nhất là công trình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy mô nhỏ chưa bán được hoặc đang xây dựng dở dang.
Thủ tục cho vay vẫn đánh đố Các NH cho vay gói 30.000 tỉ đồng áp dụng quy định cho vay không thống nhất. MHB yêu cầu khách hàng vay vốn phải có giấy tờ chứng minh thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng, có giấy xác nhận chưa có chỗ ở của địa phương (cán bộ địa chính hoặc tổ dân phố ký). Còn ở VietinBank, có phòng giao dịch yêu cầu khách hàng mang giấy xác nhận chưa có chỗ ở của chính quyền địa phương nơi cư trú nhưng có phòng giao dịch lại yêu cầu khách hàng xin xác nhận của phòng địa chính quận về việc chưa có tên trong danh sách mua bán bất động sản...
P.Anh |
Bình luận (0)