Quyết định được đưa ra sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất cơ bản bằng đồng USD từ 0% lên 0,25%.
Theo Ngân hàng Nhà nước, quyết định trên là để tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.
Giới phân tích cho rằng với mức lãi suất tiền gửi USD bằng không, lãi suất tiền gửi VNĐ phổ biến từ 5%-7%/năm đã tạo ra chênh lệch lợi tức giữa VNĐ và USD. Điều này sẽ kích thích người dân nắm giữ VNĐ đặt trong bối cảnh đồng USD đang trên đà tăng giá, tỉ giá tại Việt Nam đứng trước áp lực đi lên, nhằm góp phần ổn định thị trường ngoại tệ.
Nhiều năm trước, trần lãi suất huy động bằng USD là 0,5%- 2%/năm (tháng 6-2011). Sau đó, mức lãi suất này giảm dần và từ tháng 10-2014 trần lãi suất tiền gửi USD xuống còn 0,25% - 0,75%/năm. Đến cuối tháng 8-2015, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm trần lãi suất tiền gửi USD về mức 0%-0,25%/năm và nay tiếp tục giảm còn 0%/năm.
Tuy lãi suất USD giảm nhưng tỉ giá VNĐ/USD các ngân hàng thương mại vẫn đứng ở giá trần 22.547 đồng/USD. Còn giá USD trên thị trường tự do giao dịch xoay quanh 22.750 – 22.780 đồng/USD.
Trong khi đó, giá vàng SJC lần thứ hai trong vòng 1 tháng rớt xuống dưới 33 triệu đồng/lượng, còn khoảng 32,9 triệu đồng/lượng, giảm khoảng 100.000 đồng so với một ngày trước; giá mua vào cũng chỉ còn khoảng 32,7 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước giảm chủ yếu do tác động từ việc giá thế giới rớt 1,2% từ 1.065 USD/ounce xuống còn 1.055 USD/ounce.
Bình luận (0)