Theo ông Trần Hùng, công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chưa tạo được chuyển biến căn bản, tình hình vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gắn với tệ nạn tham nhũng. Thực trạng này làm thất thu ngân sách, tài nguyên quốc gia và tác động xấu đến môi trường đầu tư, kinh doanh và hội nhập quốc tế, chưa kể còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng do hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc được bán công khai.
Đại diện hãng bugi NGK (Nhật Bản) tại Việt Nam cho biết đã thực hiện một cuộc khảo sát thực tế tình hình bugi giả của hãng lưu hành với kết quả đáng giật mình với tỉ lệ lên đến 20,5%. “Điều này gây thiệt hại trước hết đến người tiêu dùng khi phải bỏ tiền ra mua hàng giả, làm ảnh hưởng tiêu cực đến phương tiện lưu thông. Từ đây, họ sẽ mất niềm tin vào hàng chính hãng do không thể phân biệt đâu là hàng thật, đâu là hàng giả. Về phía doanh nghiệp thì ngoài mất doanh số, thị phần còn bị đối thủ lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh” - đại diện NGK trình bày.
Trong khi đó, ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng TP HCM, lại cho biết dù thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến phức tạp nhưng thực tế rất hiếm trường hợp người tiêu dùng mua phải hàng giả đi khiếu nại do thiếu chứng từ giao dịch hoặc không nhận được sự hợp tác của bên bán.
Bình luận (0)