Ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch UBND TP, nhìn nhận hội nghị là sự kiện quan trọng, TP sẵn sàng lắng nghe những khó khăn, vướng mắc, mong muốn kết nối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn để cải thiện môi trường đầu tư, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đại diện Hiệp hội DN Mỹ tại Việt Nam (Amcham), ông Herb Corchan, cho biết quan hệ thương mại song phương giữa 2 nước đã tăng mạnh và đến năm 2020 sẽ đạt 80 tỉ USD. Việt Nam đang dẫn đầu xuất khẩu của các nước ASEAN qua Mỹ, chiếm 25% vào năm 2015 và hy vọng sẽ chiếm 1/3 đến năm 2020.
Liên quan đến những khó khăn, vướng mắc, đại diện Amcham cho biết các DN Mỹ đang gặp một số vấn đề như cấp thị thực cho DN và công dân Mỹ tới Việt Nam nên kiến nghị Chính phủ sửa đổi Luật di trú để du khách Mỹ có thể tới Việt Nam nhiều lần.
Một vấn đề được nhiều đại diện của hiệp hội DN các nước kiến nghị liên quan đến Thông tư 23 về nhập khẩu máy móc thiết bị cũ của Bộ Khoa học và Công nghệ, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, trong đó quy định không được nhập máy móc cũ trên 10 năm tuổi vào Việt Nam. Đại diện Amcham cho biết quy định này đang gây nhiều khó khăn cho DN Mỹ và các DN đã từng kiến nghị nhiều lần về việc hủy bỏ thông tư này.
“Có những máy móc thiết bị sản xuất và chất bán dẫn ô tô có thể sử dụng được 20 năm và nhiều hơn nữa được dịch chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam nhưng đang gặp khó khăn. Hơn nữa, thông tư cũng vi phạm các hàng rào kỹ thuật của WTO bằng việc đưa ra quy định tùy ý…” - Amcham lên tiếng.
Cũng liên quan đến thông tư này, Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản cho rằng một lượng lớn DN Nhật đang dự tính đầu tư vào Việt Nam và nhập khẩu máy móc thiết bị nhưng đang gặp khó vì những quy định trong thông tư này. Do đó, DN Nhật từng kiến nghị phía cơ quan quản lý Việt Nam cần nhanh chóng tháo gỡ khó khăn để không làm giảm thiện chí của nhà đầu tư Nhật.
“Năm ngoái, DN Nhật đã từng kiến nghị nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến thuế, hải quan, giấy phép, an toàn giao thông nhưng sau đó đã được giải quyết dần nhờ lãnh đạo UBND TP đã xúc tiến việc lập đường dây nóng ở nhiều sở, ngành mà DN Nhật liên hệ được. Mới đây, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đã thành lập đường dây nóng riêng và chúng tôi kỳ vọng có thể mở rộng thêm đường dây nóng này để DN nước ngoài có thể liên hệ, phản ánh những vướng mắc” - đại diện Hiệp hội DN Nhật kiến nghị.
Đại diện Hiệp hội DN Hàn Quốc cũng đánh giá cao đường dây nóng của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng và mong muốn sẽ phản ánh để giải quyết nhiều vấn đề trong thời gian tới.
Bí thư Đinh La Thăng khẳng định TP luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để các DN đầu tư kinh doanh kể cả DN trong và ngoài nước. Hiện môi trường đầu tư của TP đã cải thiện rất nhiều nhưng để đáp ứng yêu cầu hội nhập cần nỗ lực nhiều hơn nữa. Phải đồng hành cùng DN chứ không phải thực hiện các yêu cầu là đang giúp DN. “Tất cả những vấn đề DN nêu hôm nay sẽ được sở ban ngành xem xét, rà soát lại hoàn thiện thể chế chính sách để tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giúp DN huy động tối đa nguồn lực cho hoạt động sản xuất kinh doanh” - Bí thư TP chỉ đạo.
Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoach và Đầu tư TP HCM, cho biết lũy kế từ năm 1988 đến cuối năm ngoái, TP có 5.854 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng thêm là 40,02 tỉ USD.
Trong năm 2015, TP đã thu hút 4,5 tỉ USD vốn FDI tăng 38,28% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 19,8% của cả nước. Các lĩnh vực thu hút đầu tư FDI lớn nhất trên địa bàn là hoạt động kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến chế tạo, giáo dục, bán lẻ…
Chính quyền TP đã tích cực hỗ trợ DN FDI với nhiều giải pháp như cải cách thủ tục hành chính, tối đa hóa ứng dụng công nghệ thông tin tại các sở - ngành, quận - huyện theo quy trình kết nối liên thông cũng như cơ chế một cửa liên thông. Dù vậy, DN FDI vẫn còn gặp khó khăn khi tiếp cận quỹ đất đai phục vụ cho các dự án quy mô lớn, mở rộng mặt bằng kinh doanh, khó khăn trong bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bình luận (0)