Theo Nikkei Asian Review, Panasonic đang trong quá trình tái cơ cấu với mục tiêu cắt giảm chi phí khoảng 100 tỉ yên (930 triệu USD) vào năm tài chính, kết thúc vào tháng 3-2022. Họ cũng xem xét những thay đổi tiếp theo đối với việc sản xuất thiết bị của mình.
Nhà máy tại Thái Lan sẽ ngừng sản xuất máy giặt vào tháng 9-2020, tủ lạnh vào tháng 10-2020 và đóng cửa hoàn toàn vào tháng 3-2021. Một trung tâm nghiên cứu và phát triển lân cận cũng bị đóng cửa.
Panasonic đặt mục tiêu cắt giảm chi phí 930 triệu USD, kết thúc vào tháng 3-2022. Ảnh: Reuters
Khoảng 800 nhân viên đang làm việc tại nhà máy ở thủ đô Bangkok sẽ được cho nghỉ việc. Tuy nhiên, hãng này cam kết giúp đỡ họ tìm kiếm việc làm khác trong hệ thống.
Với việc chuyển đến Việt Nam, Panasonic tìm cách giảm chi phí thông qua hợp nhất mua sắm các bộ phận. Nhà máy Panasonic Việt Nam hiện đặt tại Hà Nội, là trung tâm sản xuất tủ lạnh và máy giặt lớn nhất Đông Nam Á và có công suất lớn.
Nhà máy Panasonic Việt Nam hiện nay. Ảnh: Ave Asia
Nikkei Asian Review nhận định động thái này của Panasonic phản ánh một giai đoạn mới trong sản xuất của Đông Nam Á. Bắt đầu từ những năm 1970, các nhà sản xuất thiết bị điện tử Nhật Bản đã chuyển việc sản xuất trong nước sang Singapore và Malaysia khi đồng yên tăng nhanh, làm tổn thương khả năng cạnh tranh về giá của Nhật Bản.
Sau đó, sản xuất lại chuyển sang các nước khác như Thái Lan từ năm 1979, vì tiền lương của Singapore đã trở nên quá đắt đỏ. Bây giờ, các công ty lại đang tìm kiếm các địa điểm có tiền lương rẻ hơn. Mặt khác, họ cũng hy vọng sẽ đáp ứng nhu cầu tiềm năng lớn về tủ lạnh, máy giặt và lò vi sóng... ở các quốc gia đông dân tại Đông Nam Á, như Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Tổng sản lượng của Panasonic sẽ không giảm do sự thay đổi này.
Panasonic đang sử dụng khoảng 8.000 lao động tại Việt Nam. Ngoài các thiết bị lớn, các đơn vị tại địa phương còn sản xuất các sản phẩm như tivi, điện thoại không dây, thiết bị đầu cuối thanh toán thẻ và thiết bị công nghiệp.
Bình luận (0)