Từ tháng 8 đến nay, giá heo hơi tăng liên tục và từ hơn 1 tháng nay dao động ở mức 50.000-51.000 đồng/kg, tăng 21% so với sau Tết Quý Tỵ 2013. Tham gia bình ổn thị trường, Công ty Vissan đã chuẩn bị 40.000 con heo phục vụ dịp Tết.
Tăng dự trữ, tăng khuyến mãi
Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, cho biết đã chuẩn bị lượng hàng tăng 20% so với cùng kỳ cho mùa Tết năm nay. Cụ thể: chuẩn bị 3.670 tấn thực phẩm chế biến với khoảng 400 sản phẩm các loại, chủ lực là các món giò, chả, xúc xích, lạp xưởng, nem... ; 3.540 tấn thực phẩm tươi sống, 1.310 tấn rau củ quả. Theo kế hoạch, sẽ có 1.000 con bò được giết mổ, cung ứng trong 1 tháng Tết; 5 ngày cao điểm, Vissan sẽ giết mổ, cung ứng trên 10.500 con heo, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu thực phẩm tươi sống của người dân thành phố. Vissan cam kết không tăng giá trước, trong, sau Tết và chủ động giảm giá bán từ 5%-10% trong những ngày cận Tết để hỗ trợ người tiêu dùng.
Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) cũng chuẩn bị 80.000 tấn hàng trị giá 5.000 tỉ đồng. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op, mặc dù sức mua thị trường yếu và TP HCM dự báo lượng hàng tiêu thụ trong Tết năm nay tăng khoảng 20% so với Tết Quý Tỵ 2013 nhưng Saigon Co.op vẫn tự tin dự trữ lượng hàng tăng 21% so với cùng kỳ; bán giá bình ổn các mặt hàng thiết yếu và chạy chương trình khuyến mãi để kích thích sức mua, hỗ trợ người tiêu dùng. Theo đó, từ nay đến Tết, luân phiên mỗi ngày, 3-5 mặt hàng tươi sống tại các siêu thị sẽ được bán với giá tốt nhất và hàng loạt các mặt hàng được bán giảm giá, kèm quà tặng.
Tết năm nay, ngoài lượng hàng dồi dào, các hệ thống bán lẻ trên địa bàn TP HCM còn tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá, tích lũy điểm thưởng cho khách hàng. Những mặt hàng dầu ăn, đường, sữa, bánh kẹo, mứt, hàng tiêu dùng, quần áo thời trang... tại các siêu thị đang có giá rất tốt, thậm chí rẻ hơn giá bán ở chợ và cửa hàng tạp hóa.
Lo sức mua yếu
Là đơn vị vừa bán buôn vừa bán lẻ, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) chi 1.500 tỉ đồng để chuẩn bị 10.000 tấn hàng (trong đó có 8.455 tấn hàng bình ổn thị trường). Ông Trần Thành Nam, Phó Tổng Giám đốc Satra, cho biết ngoài lượng hàng dự trữ bán Tết, trong kho Satra còn trữ một lượng lớn gạo, đường, dầu ăn bảo đảm cung ứng cho thị trường để ứng phó trong trường hợp có biến động giá. Riêng mặt hàng thịt heo, các đơn vị thành viên của Satra bảo đảm đủ số lượng cung ứng, giữ giá.
Các doanh nghiệp (DN) cung cấp trứng, thịt gia cầm cũng khẳng định sẽ khó có tình trạng thiếu hàng, sốt giá trong dịp Tết. Nguyên nhân một phần do các DN đã chủ động chuẩn bị nguồn hàng, giá thu mua trứng từ các trại chăn nuôi vẫn bình ổn, một phần sức mua chưa thật sự phục hồi. Ông Trương Chí Thiện, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết dự kiến bán ra khoảng 6 triệu trứng gà, vịt trong tháng Tết nhưng hiện tại khó có thể đánh giá thị trường, phải qua ngày 15 tháng chạp mới biết sức mua thế nào.
Theo dự báo của các DN, người tiêu dùng thành phố sẽ tập trung mua sắm trong khoảng 10-15 ngày trước Tết. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố về mặt hàng rau củ quả tăng rất cao, thành phố đã chuẩn bị tăng 150% so với Tết Nguyên đán 2013.
Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết một trong những thuận lợi của thành phố trong việc bình ổn thị trường Tết là các DN trong chương trình bình ổn chi phối 30%-40% thị trường, nguồn hàng của 3 chợ đầu mối chiếm 60%-70% (trong đó nhóm rau củ quả chiếm 50%-60%). Riêng với các DN trong chương trình bình ổn chuẩn bị nguồn hàng tăng 1,5-2 lần so với kế hoạch thành phố giao.
Chi phối thị trường
Sở Công Thương TP HCM cho biết theo đăng ký của các DN tham gia bình ổn, từ nay đến Tết, các DN có khả năng cung ứng ra thị trường 15.238 tấn lương thực, 6.186 tấn đường, 3.075 tấn dầu ăn, 5.835 tấn thịt gia súc, 7.790 tấn thịt gia cầm, 4.530 tấn thực phẩm chế biến, 11.200 tấn rau củ quả, 1.646 tấn thủy hải sản. Mức cung ứng này vượt xa kế hoạch thành phố giao và đủ khả năng dẫn dắt thị trường. Trong đó, mặt hàng thịt gia súc chiếm 32,2% nhu cầu, các mặt hàng thịt - trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, dầu ăn, đường chiếm từ 47,8%-75,4% nhu cầu.
Bình luận (0)