Sáng 25-12, tại buổi làm việc với Bộ Công Thương về công tác chuẩn bị nguồn hàng Tết, Sở Công Thương cùng các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP HCM cho biết đã hoàn tất mọi kế hoạch chuẩn bị, bảo đảm lượng hàng dồi dào, giá cả ổn định và được kiểm soát chặt về an toàn chất lượng. Trong đó có tính đến phương án sản xuất, kinh doanh, phân phối trong trường hợp dịch Covid-19 trở lại.
Người tiêu dùng có thể giảm chi tiêu
Theo Sở Công Thương TP HCM, từ tháng 6, sở đã làm việc với các DN về kế hoạch chuẩn bị hàng Tết. Đến nay, các DN đã chuẩn bị sản xuất, dự trữ, cung ứng hàng hóa cho 2 tháng Tết tương đương 19.679,7 tỉ đồng, tăng 652,4 tỉ đồng (3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Canh Tý 2020 (19.027,3 tỉ đồng). Trong đó, giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 7.132,6 tỉ đồng. Riêng tháng cao điểm phục vụ Tết, tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị là 10.425,6 tỉ đồng, hàng bình ổn thị trường là 4.172,4 tỉ đồng. Lượng hàng chuẩn bị tăng từ 4,4%-17,3% so với kế hoạch TP giao và tăng 12%-21,2% so với kết quả thực hiện Tết Canh Tý 2020. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối từ 22% -54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm 7.488,2 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến 1.051,8 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594,4 tấn (21%), dầu ăn 1.671,8 tấn (27,5%), gạo 3.943,2 tấn (31,5%)...
Các doanh nghiệp đang lo giá thịt heo sẽ tăng trong thời gian tới .Ảnh: TẤN THẠNH
"Để chủ động, Sở Công Thương cũng đã xây dựng các kịch bản ứng phó cho những tình huống dịch Covid-19, bao gồm tình huống xấu nhất là dịch bùng phát trên diện rộng. Với các kịch bản có sẵn cùng việc liên tục cập nhật diễn biến mới của thị trường Tết nên sẽ dễ dàng, kịp thời xoay xở trong mọi tình huống thị trường" - ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho biết.
Báo cáo với đoàn làm việc của Bộ Công Thương, các DN sản xuất, kinh doanh, phân phối trên địa bàn TP HCM dự báo thị trường Tết năm nay sẽ khó khăn hơn mọi năm do ảnh hưởng dịch Covid-19. Khả năng người tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm chi tiêu những mặt hàng không thiết yếu, xa xỉ mà tập trung mua sắm hàng thiết yếu, thực phẩm. Ngoài ra, nhiều gia đình sẽ hạn chế đi chơi Tết, thay vào đó là tổ chức ăn uống tại nhà. Vì vậy, các DN đã tăng lượng dự trữ hàng thực phẩm chế biến, hàng thiết yếu.
Cũng theo các DN, trong bối cảnh sức mua thị trường đang thấp, giá cả thị trường Tết năm nay sẽ khó có biến động, ngoại trừ giá thịt heo đang có xu hướng tăng. DN tăng khuyến mãi để đẩy hàng ra thị trường.
Bảo đảm cân đối cung cầu
Tại buổi làm việc, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, đánh giá cao công tác chuẩn bị hàng Tết đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đồng thời có tính đến dịch Covid-19 diễn biến bất thường của các DN TP HCM. Theo Vụ trưởng Trần Duy Đông, thời gian qua, TP HCM đã làm rất tốt việc phòng chống dịch. Tuy nhiên, TP không được chủ quan mà vẫn phải có phương án đề phòng dịch Covid-19 quay lại, xuất hiện biến thể mới. "Đề nghị Sở Công Thương và các sở - ngành tiếp tục bảo đảm cân đối cung cầu hàng Tết, bình ổn giá; tiếp tục theo dõi sát giá cả hàng hóa, đặc biệt là thịt heo… Bên cạnh đó, tiếp tục ủng hộ chương trình Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, đưa hàng Việt về nông thôn, tăng cường phối hợp với cơ quan quản lý thị trường trong công tác kiểm tra, kiểm soát hàng Tết, hạn chế tối đa hàng giả, hàng nhái…" - ông Trần Duy Đông yêu cầu.
Giá thịt heo đã tăng gần 7.000 đồng/kg so với đầu tháng 12
Theo các DN, giá thịt heo loại 1 của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam đang bán ra là 74.500 đồng/kg, cao hơn 6.500 đồng/kg so với mức 68.000 đồng/kg của thời điểm đầu tháng 12 và có xu hướng tiếp tục tăng. Ông Nguyễn Trọng Trí, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P, cho hay tổng đàn heo của C.P. chiếm 15% thị trường. Tại TP HCM, mỗi ngày C.P. cung cấp cho thị trường 2.500-3.000 con heo hơi (bằng 25%-30% tổng lượng thịt heo tiêu thụ trên địa bàn) thông qua các đại lý và khoảng 200 con heo pha lóc. "Dù tổng đàn của C.P. vẫn giữ ổn định nhưng dịch tả heo châu Phi đang diễn biến phức tạp, một số trang trại bán heo nhỏ (50-70 kg) để tránh dịch, vì vậy đến gần Tết, thị trường sẽ hụt một lượng heo nhất định, giá thịt heo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới" - ông Trí cảnh báo.
Để bảo đảm nguồn thịt heo đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong dịp Tết, ngoài nguồn heo hơi trong nước, các DN đã chủ động nhập khẩu, dự trữ một lượng lớn thịt heo đông lạnh và đã có phương án đưa ra thị trường bán sỉ lẫn bán lẻ.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gợi ý các sở - ngành, DN TP HCM định hướng người tiêu dùng thay thế thịt heo bằng những loại thực phẩm khác có giá rẻ hơn trong trường hợp giá thịt heo tăng cao.
Bình luận (0)