Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, đại diện Cục Hải quan TP HCM cho biết tính đến hết ngày 20-5, tại các chi cục hải quan trực thuộc có tổng cộng 6.801 kiện và 389 container hàng hóa quá 90 ngày kể từ ngày đến cửa khẩu, cảng biển nhưng chưa làm thủ tục hải quan, được xem là hàng tồn đọng vô chủ theo Thông tư 203 của Bộ Tài chính. Cụ thể, tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 tồn 307 container và 448 kiện, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tồn 1.949 kiện, Chi cục Hải quan Chuyển phát nhanh tồn 4.384 kiện, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 3 tồn 62 container và 20 kiện…
Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 cho biết tình trạng hàng tồn đọng tại cảng tăng đột biến từ đầu năm đến nay, đặc biệt tại cảng Cát Lái (quận 2). Nguyên nhân chủ yếu do Trung Quốc gần đây cấm nhập phế liệu nhựa từ các nước châu Âu, Nhật, Mỹ… nên loại hàng hóa này đã tìm đường nhập về các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam… Bên cạnh đó, việc các bộ - ngành liên quan hạn chế cấp phép nhập khẩu cho các loại hàng phế liệu nên hải quan không thể cho thông quan dẫn đến tình trạng ùn ứ tăng đột biến so với trước.
Một nguyên nhân khác khiến hàng tồn đọng còn do không có doanh nghiệp hoặc người đến nhận hàng. Như tuần qua, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã tiến hành kiểm tra một số container hàng tồn tại cảng và phát hiện hơn 100 máy lạnh, hơn 270 xe đạp cũ và các phụ tùng xe đạp. Đây là lô hàng thuộc diện cấm nhập vì đa số đã qua sử dụng. Số hàng này có tên người nhận là một công ty có địa chỉ ở quận Tân Phú, TP HCM nhưng đơn vị này không chịu đến nhận dù đã quá thời gian quy định.
Hàng hóa tại cảng Cát Lái (quận 2, TP HCM). Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Cũng có một số mặt hàng sau khi kiểm kê cần phải đi kiểm tra chất lượng hoặc giám định của các cơ quan chuyên ngành mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết gây ách tắc ở cảng.
Đặc biệt, một số văn bản mới áp dụng nhưng chưa có hướng dẫn cụ thể nên việc xử lý hàng tồn còn nhiều bất cập. Cụ thể, Luật Đấu giá tài sản, có hiệu lực từ ngày 1-7-2017, có nhiều điểm mới nhưng chưa thống nhất trong cách thực hiện, như ký kết hợp đồng dịch vụ đấu giá, lựa chọn tổ chức đấu giá… nên chưa thể tiến hành nhanh chóng trong việc giải quyết hàng tồn đọng được.
Theo Cục Hải quan TP HCM, để xử lý các doanh nghiệp nhập khẩu, quản lý hàng tồn đọng; người vận chuyển, các cơ quan liên quan phải phối hợp chặt chẽ hơn trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa để hải quan nhanh chóng kiểm tra xác minh và thực hiện thông báo tìm chủ hàng hóa tồn đọng.
Về phía cơ quan hải quan, các đơn vị hải quan cửa khẩu phải tổ chức theo dõi chặt chẽ hàng hóa nhập khẩu đến thời điểm cần phải xử lý theo quy định của Thông tư 203.
Đối với quy định hàng hóa gây ô nhiễm môi trường, chất thải nguy hại thì chủ hàng, phương tiện vận tải, người điều khiển phương tiện vận tải phải có trách nhiệm vận chuyển hàng hóa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam. Tuy vậy, trên thực tế, theo Cục Hải quan TP HCM, có rất nhiều lô hàng phế liệu bẩn, lốp xe… phải tiêu hủy rất tốn kém do không xác định được chủ thể vi phạm và cũng không ràng buộc được người vận chuyển hay gửi hàng.
Ràng buộc trách nhiệm các bên liên quan
Cục Hải quan TP HCM kiến nghị cần có giải pháp ràng buộc trách nhiệm hãng vận tải hoặc người gửi hàng vì hiện nay khi phát hiện người nhận hàng từ chối nhận dẫn đến ngân sách nhà nước phải bỏ tiền chi phí lưu kho bãi và tiêu hủy rất tốn kém và độc hại môi trường. Đồng thời, có quy chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan để ràng buộc trách nhiệm các bên liên quan, cũng như chưa có chế tài với các đại lý vận tải, hãng tàu vận chuyển rác, phế liệu, phế thải, hàng không đạt chất lượng nhập khẩu vào Việt Nam thì mới có thể giảm được hàng tồn đọng tại các cảng biển, cửa khẩu.
Bình luận (0)