Tại hội thảo “Tiếp cận thị trường Liên bang Nga trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu (VN - EAEU FTA) có hiệu lực” do Trung tâm WTO - Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP tổ chức sáng 22-11, các diễn giả cho biết hiệp định này sẽ mang đến cơ hội vàng cho xuất khẩu nông sản, thủy sản, dệt may, da giày, đồ gỗ… Việt Nam.
Thuế chè, cà phê lập tức về 0%
VN - EAEU FTA được ký kết giữa Việt Nam và Liên bang Nga, Cộng hòa Belarus, Cộng hòa Kazakhstan, Cộng hòa Armenia, Cộng hòa Kyrgyzstan, có hiệu lực từ tháng 10-2016.
Theo ông Trần Việt Phương, Phó trưởng Phòng Nga - SNG, Vụ Thị trường châu Âu - Bộ Công Thương, hiệp định đã mở cho Việt Nam đến 90% dòng thuế. Ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, 2 bên cam kết mở cửa thị trường 60%-91% dòng thuế. Trong đó, ngành thủy hải sản sẽ mở cửa 95% tổng số dòng thuế trong lộ trình tối đa 10 năm; xóa bỏ hoàn toàn 71% dòng thuế. Với nhóm nông sản, giảm thuế về 0% ngay đối với chè nguyên liệu, cà phê nguyên liệu; hạt điều, hạt tiêu và cấp hạn ngạch thuế quan 10.000 tấn/năm đối với mặt hàng gạo. Ngoài ra, hiệp định còn cam kết cắt giảm 82% dòng thuế trong lĩnh vực dệt may…
Ông Trần Việt Phương cho biết hiện khó đánh giá tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực Việt Nam sang EAEU vì hiệp định mới được triển khai hơn 1 tháng. Tuy nhiên, về lâu dài, những mặt hàng nhận được nhiều ưu đãi đặc biệt, cắt giảm thuế nhiều nhất như nông sản, dệt may, da giày, đồ gỗ… sẽ có điều kiện tăng trưởng xuất khẩu rất mạnh.
Trong 5 nước liên minh Kinh tế Á - Âu, Nga là thị trường quan trọng nhất, giữ đến 80% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khối này với cơ cấu mặt hàng xuất khẩu rất đa dạng. Xuất khẩu sang Nga có nhiều triển vọng gia tăng bởi hiện nay, việc xuất khẩu sang thị trường này chưa xứng với tiềm năng.
“Từ năm 2014, Nga căng thẳng với các nước phương Tây và bắt đầu áp dụng những biện pháp cấm vận với các nước này. Đây là cơ hội hết sức thuận lợi cho Việt Nam gia tăng thị phần nông sản, thủy sản. Bên cạnh đó, Nga đang có xu hướng tăng cường thay thế các mặt hàng thuộc lĩnh vực công nghiệp nhẹ như dệt may, da giày Trung Quốc bằng sản phẩm chất lượng, giá cạnh tranh hơn của Việt Nam và Bangladesh, trong khi Việt Nam lại là nước đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với EAEU… Với những lợi thế lớn đó, doanh nghiệp (DN) Việt Nam tự tin cạnh tranh ở thị trường này. DN không chỉ tận dụng quan hệ làm ăn trong quá khứ mà cần chuẩn bị kỹ cho việc hợp tác làm ăn vào lúc này” - ông Phương lưu ý.
Lợi thế cho hàng dệt may
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy ngành dệt may Việt Nam mỗi năm xuất khẩu khoảng 24 tỉ USD, trong khi EAEU nhập khẩu khoảng 17 tỉ USD/năm nhưng thị phần của Việt Nam tại thị trường này còn rất nhỏ. Năm 2014, Việt Nam xuất khẩu 136 triệu USD hàng dệt may sang Nga trong tổng số 1,9 tỉ USD hàng dệt may các nước bán vào nước này. Theo dự đoán của giới chuyên gia, ngay sau khi VN - EAEU FTA có hiệu lực, kim ngạch hàng dệt may giữa 2 bên sẽ tăng trưởng 50% trong năm đầu tiên và tăng trung bình 20% trong 5 năm tiếp theo.
Trong bối cảnh xuất khẩu dệt may đứng trước nhiều thách thức do ảnh hưởng tình trạng kinh tế - xã hội bất ổn tại nhiều thị trường xuất khẩu chủ lực, một số DN dệt may đang muốn chuyển sang thị trường Đông Âu, đặc biệt là Nga. Tháng trước, khoảng 80 DN xuất khẩu Việt Nam, trong đó có một số DN dệt may, đã tham gia hội chợ do Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Nga tổ chức. Tại hội chợ này, một số công ty đã ký kết được bản ghi nhớ hợp tác, chuẩn bị bàn bạc sâu hơn để triển khai đơn hàng xuất khẩu vào năm 2017.
Tổng Công ty May 28 đã ký được bản ghi nhớ hợp tác xuất khẩu vải, áo bông, đồ bảo hộ lao động… số lượng khá lớn sang thị trường Nga và các nước thuộc EAEU. Ông Nguyễn Văn Cần, Trưởng Phòng Nghiên cứu và Phát triển Tổng Công ty May 28, cho biết các rào cản về quy tắc xuất xứ đối với hàng dệt may vào EAEU không quá khắt khe như vào EU, Mỹ hay Nhật. Vì vậy, DN nào đã tiếp cận được thị trường EU, Mỹ, Nhật rồi thì sẽ dễ vào thị trường Liên minh Kinh tế Á - Âu. “Tổng Công ty May 28 đã xuất khẩu sản phẩm đi châu Âu đến 60%, Mỹ 30% và Nhật 10% nên rất tự tin sẽ khai thác tốt thị trường mới này” - ông Cần cho biết.
Theo bà Bùi Kim Thùy, Phó trưởng Phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương, hàng dệt may có quy tắc xuất xứ theo cam kết VN-EAEU FTA “lỏng” nhất, chỉ yêu cầu gia công tại Việt Nam. Không những vậy, xuất khẩu hàng dệt may sang Nga còn bỏ được việc quy định tính thuế rất bất hợp lý là tính theo cân nặng được áp dụng trước khi FTA có hiệu lực.
Ông Nguyễn Văn Cần cho rằng xuất khẩu sang các thị trường EAEU đã bị gián đoạn một thời gian nên DN cần cẩn trọng tìm hiểu, chuẩn bị kỹ trước khi quyết định làm ăn. Hiện nay, hiệp định VN-EAEU FTA đã ký trên giấy tờ nhưng để DN được hưởng ưu đãi theo cam kết, các cấp, ngành cần sớm có hướng dẫn cụ thể về điều kiện hưởng ưu đãi, các mã hàng, quy định xuất xứ hàng hóa và giải pháp thanh toán cho DN.
Sợ nhất khâu thanh toán
Bên cạnh thuận lợi, tiềm năng, thị trường Nga nói riêng và EAEU nói chung cũng còn nhiều khó khăn, thách thức đối với nhà xuất khẩu. Các rắc rối trong thủ tục hành chính, thông tin chưa công khai, minh bạch, tập quán văn hóa kinh doanh, ngôn ngữ và đặc biệt là khoảng cách vận chuyển, vấn đề thanh toán là những vướng mắc mà DN có thể gặp phải. Trong đó, khó khăn trong thanh toán đang là trở ngại lớn. DN Nga thường thanh toán theo hình thức trả chậm đối với hàng xuất khẩu của DN Việt Nam và trả trước đối với hàng xuất khẩu từ Nga, gây khó khăn về vốn và tăng rủi ro cho DN Việt Nam. Các kênh thanh toán không chính thống tại Nga cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho DN.
Bình luận (0)