Ngày 18-8, khu vực Tuần hàng Việt Nam tại Trung tâm Thương mại Central Plaza Ladprao Bangkok luôn tấp nập khách.
Tín hiệu tích cực ban đầu
Tại tiểu khu ẩm thực (bày bán các món ăn được chế biến bằng nguyên liệu là những sản phẩm Việt Nam đang phân phối tại Thái Lan), 2 hàng dài khách đang kiên nhẫn chờ tính tiền, trên tay mỗi người đều cầm các loại thức ăn, thức uống Việt Nam. Gần đó, nhiều khách vây quanh quầy bánh mì thịt để dùng thử, mua sản phẩm. Bên tiểu khu triển lãm, 43 doanh nghiệp (DN) ngành thực phẩm, gia dụng, thời trang, giày dép, phụ kiện cũng bận rộn giới thiệu, tiếp đón khách tham quan gian hàng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan các gian hàng tại Tuần hàng Việt Nam ở Thái Lan
Bà Nguyễn Thị Hương, Phó Giám đốc Công ty Mỹ nghệ Thiên Lộc, cho biết rất nhiều khách tham quan hỏi mua các sản phẩm hộp đựng khăn giấy bằng gỗ và các loại sản phẩm sơn mài... của công ty nhưng bà không bán vì chỉ mang sang số lượng ít để trưng bày. Đây là những sản phẩm của công ty đang bán rất tốt ở thị trường Trung Quốc và một số nước châu Âu. "Một số mặt hàng của Thiên Lộc chưa có sản phẩm tương đương tại Thái nên thu hút nhiều khách hàng. Sáng 18-8, tôi đã gặp 4 đối tác và họ đánh giá cao sản phẩm nhưng muốn đặt hàng theo mẫu nhỏ gọn hơn và đưa ra mức giá cụ thể. Tôi hứa là sẽ về nghiên cứu thiết kế lại sản phẩm theo yêu cầu, sẵn sàng hợp tác phát triển sản phẩm và mời họ sang Việt Nam tìm hiểu công ty. Thị trường Thái Lan lớn, chỉ cần sản phẩm của mình được người tiêu dùng ở đây chấp nhận thì chúng tôi sẽ sống khỏe" - bà Hương nói.
Mang 2 dòng cà phê Arbica và Robusta sang Thái Lan, ông Nguyễn Xuân Tồn, Giám đốc Công ty Cà phê Long Triều (Đà Lạt), tranh thủ đi tìm hiểu các loại cà phê đang bán chạy tại các trung tâm thương mại và quán cà phê ở Bangkok, xem "gu" uống cà phê của người Thái rồi mới tính đến phương án có nên đưa hàng vào nước này hay không. Theo ông Tồn, nếu xét về giá cả và mẫu mã thì sản phẩm của ông có thể cạnh tranh được bởi cà phê Thái Lan có mẫu mã đơn giản, giá tương đương cà phê Long Triều nhưng quan trọng nhất phải xác định được sản phẩm của mình có phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng Thái không.
Bà Lương Thanh Hạnh - Giám đốc Hanhsilk, nhà sản xuất và kinh doanh sản phẩm lụa đũi của làng dệt Nam Cao (Thái Bình) - cho biết có 3 khách hàng quan tâm đến sản phẩm của công ty nhưng yêu cầu giảm giá. "Yêu cầu của họ hơi khó nhưng chúng tôi nỗ lực hết mình để tìm được tiếng nói chung cho những bước đi lâu dài. Chúng tôi đã xuất hàng sang nhiều nước như Hàn, Nhật, Mỹ bằng thương hiệu của mình từ 3 năm nay nhưng vẫn còn nhiều hạn chế về bao bì mẫu mã, thương hiệu. Thị trường Thái Lan rất lớn, ngoài lượng khách nội địa, còn được bán hàng cho lượng lớn khách du lịch nên nếu ký được hợp đồng xuất khẩu sang đây, sản lượng tiêu thụ chắc chắn rất ổn" - bà Hạnh đánh giá.
Hào hứng và thận trọng
Mặc dù hào hứng với các cuộc tiếp xúc, giới thiệu sản phẩm cho người tiêu dùng, nhà mua hàng của Thái Lan nhưng đa số DN Việt Nam vẫn khá thận trọng trong kế hoạch xúc tiến bán hàng sang thị trường này. Tham gia Tuần hàng Việt Nam lần này có khá nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam như Biti’s, Vinamit, Mỹ Hảo..., những đơn vị đã có kinh nghiệm xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính nhưng lần đầu chính thức đưa hàng sang giới thiệu tại Thái Lan. Theo các DN này, thị trường Thái Lan nhiều tiềm năng nhưng cũng rất cạnh tranh bởi nền sản xuất ở đây phát triển, sản phẩm Thái Lan tương đương hoặc nhỉnh hơn hàng Việt về giá cả, bao bì. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng là điểm đến của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới ở tất cả phân khúc nên hàng Việt không dễ trụ ở thị trường này. Mặc dù vậy, DN Việt muốn vươn ra thị trường khu vực thì không thể bỏ qua thị trường này và đã đến lúc cần nghiêm túc tìm hiểu kỹ hơn để tìm cơ hội xâm nhập thị trường tiềm năng này.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, cũng nhìn nhận thị trường Thái Lan rất cạnh tranh vì những sản phẩm Việt Nam có cũng là sản phẩm thế mạnh của họ, DN Thái lại rất năng động, chịu khó cải tiến chất lượng và mẫu mã. Các tập đoàn lớn của Thái Lan có hệ thống trên toàn cầu nên luôn đặt yêu cầu cao đối với hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, DN Việt không nên tự ti mà cần mạnh dạn tiếp xúc với đối tác mua hàng, người tiêu dùng Thái vì đây là cơ hội cọ xát để có những điều chỉnh phù hợp. Quan trọng nhất là cần tạo sự khác biệt cho sản phẩm để tăng giá trị cạnh tranh.
Ông Philippe Broianigo, Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam, cho rằng việc DN thâm nhập được một thị trường nước ngoài không thể diễn ra chóng vánh mà cần có thời gian cùng nhiều nỗ lực của cả bên bán và bên mua. Central Group mở rộng cửa để DN Việt Nam tiếp cận thị trường Thái Lan nhưng sự sẵn sàng, năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm... của DN Việt mới là quan trọng. Có thể các DN chưa đạt được sự thỏa thuận hay hợp đồng nào trong dịp này nhưng chắc chắn việc gặp gỡ tiếp và xúc trực tiếp với thị trường, nhà mua hàng sẽ giúp DN thu thập thêm nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh nhóm DN đã có đủ năng lực xuất khẩu, Central Group cũng quan tâm đến nhóm DN vừa và nhỏ, đồng thời tạo điều kiện cho những DN này tham gia chuỗi bán lẻ của Central Group ở Việt Nam lẫn Thái Lan.
Khai mạc Tuần hàng Việt Nam
Chiều 18-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân cùng phái đoàn cao cấp của Chính phủ Việt Nam đã đến dự lễ khai mạc chính thức và tham quan các gian hàng tại Tuần hàng Việt Nam ở Thái Lan.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan với sự hỗ trợ của Tập đoàn Central (Thái Lan) là một trong những hoạt động nhằm góp phần tăng thương mại hai chiều, đưa hàng hóa Việt Nam vào thị trường Thái Lan. Tại lễ khai mạc, Bộ Công Thương Việt Nam và Tập đoàn Central đã ký kết thỏa thuận hợp tác tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan trong những năm tiếp theo và đẩy mạnh xúc tiến đưa hàng Việt vào hệ thống bán lẻ của Central Group tại Thái Lan cũng như trên thế giới.
Ngoài giới thiệu sản phẩm, trong khuôn khổ Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan, 43 DN ngành thực phẩm, gia dụng, thời trang, giày dép, phụ kiện và lưu niệm Việt Nam trực tiếp gặp gỡ bộ phận thu mua của các đơn vị bán lẻ trực thuộc Central Group để tìm cơ hội hợp tác xuất hàng vào các hệ thống này. Đây là lần thứ 2 Tuần hàng Việt Nam được tổ chức tại Thái Lan.
Bình luận (0)