Đời sống được cải thiện, người dân “sành” ăn hơn, sức tiêu thụ trong nước tốt hơn… là những điều kiện kéo các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tìm về “sân nhà” ngày càng nhiều. Chuyện mang hết món ngon bán xứ người một thời đang dần thay đổi, hàng Việt Nam chất lượng xuất khẩu đang tìm về khách hàng trong nước.
Đem “món ngon” về bán xứ mình
Trở về từ chuyến công tác nước ngoài, bà Đặng Thị Trúc Lan Chi, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến (Bến Tre), cho biết vừa kết nối với 2 nhà phân phối ở Việt Nam, chuẩn bị đưa hàng vào bán tại hệ thống bán lẻ của 2 đơn vị này.
Với thế mạnh là kẹo dừa và các sản phẩm từ dừa như bánh hoa dừa, chip dừa, dầu dừa (thương hiệu Yến Hoàng và Tiến Đạt) được sản xuất theo công nghệ hiện đại, Công ty TNHH Vĩnh Tiến đã sớm xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Campuchia, Lào, Mỹ từ hơn 10 năm trước. Mỗi năm, DN này cung ứng cho các thị trường xuất khẩu hơn 1.300 tấn kẹo dừa và sản phẩm từ dừa.
Theo bà Đặng Thị Trúc Lan Chi, từ nhiều năm trước, công ty đã xác định mục tiêu khai thác thị trường nội địa nhưng đến nay, công cuộc chinh phục người tiêu dùng trong nước vẫn còn nhiều khó khăn. “Sản phẩm của chúng tôi tốt, mẫu mã bắt mắt, phù hợp với túi tiền và thị hiếu người Việt Nam. Chúng tôi luôn đầu tư cải tiến mẫu mã, chất lượng và rất tự tin cạnh tranh với hàng ngoại nhưng đến nay, doanh thu nội địa chỉ mới chiếm 20% tổng doanh thu công ty” - bà Chi nói.
Cuối tháng 7 vừa qua, thương hiệu gạo Cỏ May Đồng Tháp (DN xuất khẩu gạo thành công sang thị trường Singapore) công bố đến cuối năm 2016 sẽ mở 1.000 điểm bán lẻ tại TP HCM. Cách mà DN này tiếp cận là đưa sản phẩm gạo từ thực phẩm thiết yếu sang kiểu phân phối như hàng tiêu dùng nhanh.
Ông Phạm Minh Thiện, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cỏ May Sài Gòn, cho biết gạo Cỏ May được đóng gói 5 kg, hút chân không từ nguyên liệu chọn lọc và đưa vào nhà máy chế biến theo tiêu chuẩn HACCP. Việc hút chân không, ngoài yếu tố thẩm mỹ còn chống mối mọt trong vòng 12 tháng để có thể phân phối theo kênh cửa hàng, tạp hóa hiện hữu giúp người tiêu dùng dễ dàng mua được.
“Giữa lúc các đại lý gạo tại TP HCM với chính sách chăm sóc khách hàng hết sức linh hoạt như giao hàng tận nhà, tặng quà khuyến mãi, đổi nếu ăn không hợp thì việc bán gạo đóng gói sẽ không lợi thế bằng. Tuy vậy, Cỏ May sẽ cố gắng bằng việc cung cấp loại gạo phù hợp với số đông người tiêu dùng, giá hợp lý (túi 5 kg có giá bán lẻ 100.000 đồng) cũng như cam kết về chất lượng, quy trình chế biến” - ông Thiện khẳng định.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hải Nam (Bình Thuận), DN này bắt đầu xuất khẩu rong nho (một loại rong biển được nuôi trồng theo công nghệ Nhật Bản) từ năm 2004 nhưng chỉ được bán nội địa vài năm gần đây khi ẩm thực Hàn Quốc, Nhật Bản nhập khẩu mạnh vào Việt Nam.
“Trước đây, người Việt không có thói quen ăn rong, trong khi đây là thực phẩm rất bổ dưỡng, tốt cho sức khỏe và được người Nhật ưa chuộng. Do vậy, trong tất cả các hội chợ, chúng tôi đều trưng bày giới thiệu và mời khách thưởng thức để họ quen dần. Ngoài ra, khi bán nội địa, chúng tôi cũng đưa ra mức thấp hơn xuất khẩu để người tiêu dùng làm quen” - bà Sắc chia sẻ.
Theo khảo sát, giá rong nho tươi xuất khẩu sang Nhật đang ở mức từ 15-20 USD/kg (bán lẻ tại Nhật là 80 USD/kg) nhưng thị trường trong nước, với lợi thế cung cấp tại chỗ, chỉ hơn 200.000 đồng/kg.
Yếu ở khâu phân phối
Cũng chuyên xuất khẩu các loại hóa mỹ phẩm như dầu gội, xà bông tắm, nước tẩy rửa, nước diệt khuẩn sang các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, Cuba..., Công ty CP Hoa Lan (Hưng Yên) chuẩn bị ra mắt một số sản phẩm mới và đang đàm phán với 2 hệ thống siêu thị để đưa hàng vào.
Bà Nguyễn Thị Đông, giám đốc công ty, cho biết bản thân là nhà khoa học, có nhiều bằng sáng chế, sản phẩm được nhiều nhà nhập khẩu quan tâm nhưng tại Việt Nam, sản phẩm đến tay người tiêu dùng chủ yếu thông qua các hội nữ doanh nhân, hội liên hiệp phụ nữ và những lần tham gia hội chợ, hội thảo.
Bà Đông và nhiều nữ doanh nhân sản xuất được sản phẩm chất lượng, rất muốn bán cho người tiêu dùng trong nước nhưng không có hệ thống phân phối và ngại bị chiếm dụng vốn. “Làm hàng xuất khẩu luôn có tiền tươi thóc thật, trong khi bán ở trong nước thanh toán chậm, có khi “ngâm” vài tháng mới trả tiền nên nhiều DN chỉ thích xuất khẩu chứ không muốn bán nội địa. Ngoài ra, không có hệ thống phân phối cũng thiệt thòi cho DN và khách hàng. Hiện khách hàng của công ty ở khu vực miền Nam phải đặt hàng số lượng lớn, công ty gửi ô tô chuyển từ Bắc vào, khá bất tiện” - bà Đông nêu.
Bà Đặng Thị Trúc Lan Chi cho rằng khó khăn lớn nhất của các DN xuất khẩu khi quay về nội địa nằm ở khâu phân phối. Nhà sản xuất chỉ mạnh khâu sản xuất, nếu tự đầu tư hệ thống phân phối thì rất tốn kém và khó quản lý. “Chọn bán hàng qua kênh phân phối, nếu gặp nhà phân phối tốt, hàng hóa được trưng bày vị trí đẹp, làm chương trình quảng bá hay thì thành công; còn nếu bị đẩy vào góc kẹt thì… thua” - bà Chi nhận định.
Lĩnh vực chế biến thủy sản thời gian qua mặc dù gặp không ít khó khăn ở các thị trường xuất khẩu nhưng vẫn rất ít DN chịu khó thâm nhập thị trường nội địa. Theo bà Lê Thanh Lâm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Sài Gòn Food, ngành thủy sản có đặc thù riêng, các DN thủy sản hoạt động trong lĩnh vực chế biến tinh xuất khẩu muốn bán hàng nội địa thì phải nghiên cứu thị trường, đầu tư sản xuất, phân phối. Chi phí cho những hoạt động này rất lớn và phải đầu tư lâu dài, đòi hỏi DN có nguồn lực và quyết tâm cao.
Hàng thủy sản xuất khẩu không thể đem bán cho người tiêu dùng nội địa vì nguyên liệu, gia vị, khẩu vị rất khác nhau. Trong khi đó, thị trường Việt Nam dân số đông, trẻ, mặc dù đang cạnh tranh khốc liệt nhưng vẫn còn khá nhiều “đất” cho DN khai thác. Tuy nhiên, các DN chế biến thủy sản chủ yếu tranh nhau diện tích trong tủ đông của các hệ thống bán lẻ hiện đại chứ khó bán vào kênh truyền thống vì hạn chế ở khâu bảo quản. Do đó, không nhiều DN thủy sản xuất khẩu quay về sân nhà. Những DN đã trụ được ở thị trường nội địa thì tích cực mở rộng thị phần.
“Bản thân Sài Gòn Food đang đầu tư xây thêm nhà máy, nghiên cứu sản phẩm mới, đa dạng… và đặt mục tiêu đến năm 2020, nâng tỉ lệ sản xuất hàng nội - hàng ngoại tại công ty lên 50% - 50% (hiện hàng ngoại chiếm 75%, hàng nội 25%)” - bà Lâm thông tin.
Cần chiến lược khai thác thị trường nội địa
Ông Ngô Quang Tú - Trưởng Phòng Chế biến bảo quản thủy sản, Cục Chế biến Nông lâm thủy sản và Nghề muối, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho rằng trước đây, mọi hoạt động của ngành thủy sản đều hướng đến xuất khẩu, thiếu chiến lược dài hạn cho thị trường nội địa, chỉ khi xuất khẩu khó khăn mới tính đến thị trường trong nước. Theo thống kê, cả nước có hơn 600 DN chế biến thủy sản lớn, quy mô công nghiệp thì chỉ có 29 DN khai thác nội địa. Trong khi đó, Việt Nam với 92 triệu dân và 15 triệu khách du lịch đang là “điểm đến” của nhiều mặt hàng thủy sản ngoại. “Ngay tại hội chợ thủy sản quốc tế đầu tháng 8 ở TP HCM, DN Trung Quốc đã có nhiều hoạt động quảng bá cá rô phi vào thị trường Việt Nam. Đây là mặt hàng Trung Quốc chiếm 90% thị phần trên thế giới với giá rất rẻ. Do vậy, DN Việt Nam cần nhanh chóng có chiến lược khai thác thị trường nội địa, trước khi bị DN ngoại chiếm lĩnh” - ông Tú cảnh báo.
Bình luận (0)