Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, cho biết tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 2,8%. Trong đó, nông nghiệp tăng 2,31%; chăn nuôi tăng 5,7%; lâm nghiệp tăng 4,97%; thủy sản tăng 4,15%.
Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản 6 tháng đầu năm nay đạt 27,88 tỉ USD, tăng 13,9%. Đóng góp vào thành công đó có 9 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỉ USD, gồm: cà phê, cao su, điều, rau quả, gạo, cá tra, tôm, sản phẩm gỗ, đầu vào phục vụ sản xuất. Bốn thị trường nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm nay là 2,8%-3%, cao hơn mức 2,5%-2,8% Chính phủ giao; giá trị sản xuất toàn ngành tăng 2,9%-3,1%; kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt khoảng 55 tỉ USD.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận trong triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn. Theo đó, việc thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp không phải là khẩu hiệu, mà phải là chuyển từ mục tiêu đơn giá trị sang đa giá trị. Khẳng định mọi sự thay đổi đều khó khăn, Bộ trưởng nói thêm: "Đây không phải là câu chuyện nhất thời. Tăng giá trị, giảm chi phí không phải là chuyện để đối phó với vấn đề giá vật tư đầu vào tăng cao mà phải chuyển động một nền nông nghiệp tiết giảm chi phí đầu vào".
Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, liên quan đến việc hỗ trợ tàu cá nằm bờ hàng loạt vì giá xăng dầu tăng quá cao, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết để hỗ trợ ngư dân, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị tham mưu Chính phủ có chính sách an sinh hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng.
Về lâu dài, theo Thứ trưởng, phải cơ cấu lại việc khai thác theo hướng tăng cường nuôi trồng thủy sản trên biển, trong vùng bờ để nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm chủ lực nhằm bù đắp cho sản lượng khai thác giảm. Đây cũng là giải pháp để bảo đảm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và chế biến sâu, nhằm đạt mục tiêu về xuất khẩu thủy sản.
Kết quả khảo sát cho thấy có 45%-50% tàu cá nằm bờ, dừng khai thác. Đặc biệt, TP Hải Phòng có tới hơn 70% tàu cá dừng hoạt động.
Bình luận (0)