Trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ, bên cạnh các giải pháp tài khóa, tiền tệ thì trụ cột quan trọng khác là cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.
Ngán ngẩm thủ tục hành chính
Phản ánh với Báo Người Lao Động, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty TNHH Lê Thành, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp (DN) quận Bình Tân, TP HCM - cho biết gần 2 năm qua, nhiều DN rất vất vả trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. "Nước ngoài họ thúc đẩy hỗ trợ DN phát triển bằng cách tìm mọi cách tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi tối đa cho DN hoạt động. Còn tại Việt Nam, có những cái nhà nước không cấm nhưng luật không quy định thì chính quyền không giải quyết, gây ách tắc và bóp chết sự sáng tạo của DN. Chúng ta nêu khẩu hiệu, yêu cầu DN đổi mới, sáng tạo nhưng cách quản lý hiện tại đang bóp chết mọi sáng tạo của DN" - ông Nghĩa bức xúc.
Theo ông Nghĩa, một mặt luật chồng chéo, cùng 1 vấn đề có thể có đến 10 luật quy định, mặt khác cán bộ các cơ quan công quyền ngại trách nhiệm nên không mặn mà hỗ trợ. Thậm chí, không ít trường hợp, cán bộ còn cố tình không giải quyết để không phải chịu trách nhiệm. Ví dụ, 1 dự án trước đây có thể mất khoảng 3 tháng là hoàn tất thủ tục nhưng nay có thể kéo dài vô thời hạn. "Không có dự án nào không có vướng mắc, trước đây cơ quan công quyền nỗ lực hỗ trợ DN khắc phục thì nay mỗi một vấn đề, 1 sở cũng phải gửi văn bản xin ý kiến của nhiều sở khác, thậm chí là các quận, huyện, phường, xã… Hệ quả là hồ sơ chạy vòng vòng, cuối cùng phải báo cáo UBND TP xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Tình trạng này kéo dài gây ách tắc, mệt mỏi và thiệt hại lớn cho DN" - ông Nghĩa nói.
Nhiều quy định còn bất cập ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp. Trong ảnh: Đóng gói rau thủy canh tại HTX Tuấn Ngọc (TP Thủ Đức, TP HCM). Ảnh: NGỌC ÁNH
Cũng gặp nhiều trở ngại do cán bộ "sợ trách nhiệm", một số DN kiến nghị cải cách hành chính trước hết phải thay đổi tư duy, tác phong làm việc của cán bộ nhà nước. Bên cạnh đó, cần có bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để theo hướng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong quá trình tiếp nhận, xử lý thủ tục; đồng thời xử lý nghiêm cán bộ, công chức không hoàn thành trách nhiệm. "Đơn cử, TP HCM có văn bản quy định cụ thể, yêu cầu các sở ngành phải có văn bản thông báo thời gian giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, DN. Bên cạnh đó là quy định rõ thời gian để 1 cơ quan nhà nước trả lời văn bản của 1 cơ quan khác, nếu quá thời gian quy định mà không trả lời mặc nhiên là đồng thuận. Hay như có quy định số lần các cơ quan hướng dẫn DN sửa hồ sơ bằng văn bản nhằm khắc phục tình trạng hướng dẫn cắt khúc, DN sửa tới sửa lui mãi không xong hồ sơ và càng sửa càng rối" - giám đốc một DN lĩnh vực thiết bị y tế nêu ý kiến.
Vẫn còn vướng mắc cần tháo gỡ
Ông Nguyễn Văn Thứ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), cho rằng trong khi sản phẩm xuất khẩu có tiêu chuẩn rõ ràng theo yêu cầu thị trường nhập khẩu thì tiêu chuẩn nông sản, thực phẩm ở thị trường nội địa chưa được như vậy, công tác giám sát chất lượng và an toàn thực phẩm trong nước chưa nghiêm tạo ra sự cạnh tranh không công bằng.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Thứ, hiện nay nông sản, thực phẩm Việt Nam đang được các nhà nhập khẩu quan tâm nhưng DN lại khó đáp ứng hết đơn hàng vì thiếu vốn để mở rộng quy mô. "Ngành nông nghiệp vẫn bị đánh giá là rủi ro nên hạn mức cho vay thấp. Tại các đô thị, một dự án có thể được cho vay 70% giá trị tài sản nhưng tại nông thôn, một dự án thường chỉ được vay 20%-30% giá trị, chưa đủ để đầu tư. DN cũng gặp khó khi liên kết với nông dân tại các vùng trồng do tính tuân thủ thấp nên DN không có đủ nguyên liệu bảo đảm số lượng và độ đồng đều mà đơn hàng yêu cầu. Công tác phổ biến kiến thức, tập huấn cho nông dân sản xuất an toàn cần được tăng cường hơn nữa" - ông Nguyễn Văn Thứ đề nghị.
Theo bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2022, DN thủy sản đã trải qua một năm khó khăn nhưng thành công một phần nhờ môi trường kinh doanh trong nước đã có một số cải thiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn một số vướng mắc đã lâu mà các DN sẽ phải tiếp tục để kiến nghị các cơ quan thẩm quyền xem xét tháo gỡ. Khi đó, DN sẽ bớt áp lực hơn, sức khỏe DN được duy trì nhằm đối phó với lạm phát tại các thị trường nhập khẩu và chi phí đầu vào tăng cao, tạo đà hồi phục khi kinh tế thế giới ổn định trở lại.
Bà Lê Hằng dẫn chứng một số quy định trong lĩnh vực môi trường chưa phù hợp với đặc thù ngành sản xuất, chế biến thủy sản như: ngưỡng phosphor (P) quá nghiêm ngặt cho nước thải chế biến thủy sản; bùn thải thủy sản chưa được phân loại vào nhóm chất thải rắn công nghiệp thông thường… Trong lĩnh vực y tế, vướng mắc về quy định sử dụng muối i-ốt trong chế biến thực phẩm chưa được sửa đổi cùng với dự thảo liên quan đến ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm có nhiều quy định chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam cùng thông lệ quốc tế. Các hiệp hội ngành hàng liên quan đến thực phẩm rất kỳ vọng Bộ Y tế sẽ tiếp thu các góp ý của cộng đồng DN, tránh việc ban hành văn bản không phù hợp gây tốn kém, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của DN.
Khẩn trương rà soát, sửa đổi
Ngày 3-2, chủ trì phiên họp của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh Đảng ta đã xác định xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính là một trong ba đột phá chiến lược, bởi đây là lĩnh vực còn nhiều băn khoăn, trăn trở, tâm tư. Theo Thủ tướng, việc xây dựng, hoàn thiện thể chế là công việc khó, do đó trong quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật, thể chế, các bộ, cơ quan cần tiếp tục coi trọng việc lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn và đối tượng có tác động.
Về chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết để giải quyết các vấn đề cấp bách mà thực tiễn đặt ra nhưng luật pháp chưa quy định hoặc đã quy định nhưng không còn phù hợp, gây ách tắc, làm giảm nguồn lực cho sự phát triển, trước mắt giao Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chỉ đạo Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan rà soát lại, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý kịp thời, hiệu quả, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn.
Đối với các vấn đề bất cập trên thực tiễn cần giải quyết ngay, Chính phủ vừa qua đã kịp thời chỉ đạo các bộ ngành khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi. Đơn cử như trong lĩnh vực trái phiếu DN, những bất cập trên thị trường đặt ra vấn đề phải sửa đổi các quy định có liên quan, trong đó có Nghị định 65 về chào bán trái phiếu DN riêng lẻ. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, sớm trình để ban hành Nghị định này, nhằm gỡ khó cho thị trường trái phiếu DN vốn đang bị "tắc nghẽn".
Cũng liên quan đến việc sửa đổi Nghị định 65/CP, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết bộ đã rất khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được lãnh đạo Chính phủ giao. "Chúng tôi đã tổng hợp và cũng đã xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp theo quy trình, quy định và đến hiện nay đang trong quá trình hoàn chỉnh bộ hồ sơ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 65 để trình Chính phủ" - ông Chi nói.
Cạnh tranh không lành mạnh
Với lĩnh vực du lịch, khó khăn của các DN thời điểm này không chỉ vốn mà còn về nguồn nhân lực. Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vinagroup, cho biết đang muốn tuyển thêm nhiều nhân sự trong giai đoạn phục hồi nhưng quá khó. Không ít nhân sự tuyển về phải đào tạo thêm nhưng họ có thể "được mời" sang công ty khác bất cứ lúc nào nếu thu nhập cao hơn. Do đó, DN mong muốn cơ quan quản lý nhà nước có chính sách hỗ trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch.
Ngoài ra, các DN trong ngành du lịch cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt. Nhiều công ty nhỏ sẵn sàng giảm giá, ưu đãi tối đa hoặc giảm giá giờ chót để kéo khách, cạnh tranh không lành mạnh. Ngay như lĩnh vực du lịch nước ngoài theo quy định phải có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế được cơ quan quản lý nhà nước cấp nhưng không ít DN chỉ có hợp đồng làm đại lý cho DN khác cũng rầm rộ quảng cáo, rao bán tour nước ngoài theo dạng mập mờ khiến khách hiểu lầm. "Họ lấy tour của các DN khác rồi quảng cáo, rao bán giống như chính họ tổ chức nhưng với giá rẻ hơn, cạnh tranh trực tiếp với công ty nơi họ làm đại lý. Khách không thể phân biệt được đâu là đại lý bán tour, đâu là công ty "chính chủ" và có thể bị thiệt nếu có sự cố xảy ra. Rất mong cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp kiểm soát tình trạng này để tạo sự lành mạnh cho hoạt động du lịch" - ông Trần Thanh Vũ kiến nghị.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-1
Bình luận (0)