Đến hẹn lại lên, dịp Tết là cơ hội để các nghệ nhân tạo hình hoa, kiểng ở miền Tây khoe tài và kiếm thu nhập cao từ sự sáng tạo của mình. Kiểng càng độc lạ giá càng cao.
Dát vàng lên tượng, khắc lên cây
Nghệ nhân Trần Quốc Việt (42 tuổi ngụ khu vực 2, phường Ba Láng, quận Cái Răng, TP Cần Thơ) nổi tiếng nhờ tài khắc tượng Phật lên gốc cây (mận, phát tài, khế… ) đang sinh trưởng. Sản phẩm đầu tiên anh Việt làm thành công là khắc tượng Phật Di Lặc trên gốc phát tài. Sau đó, anh thử khắc Phật Di Lặc, ông Phúc, Lộc, Thọ, tượng Quan Âm với gương mặt tươi vui lên gốc khế, mận… và đã thành công.
Anh Việt nêu lý do chọn 3 loại cây trên để điêu khắc vì nguồn nguyên liệu dễ tìm. Nhưng phải chọn cây phát tài có tuổi đời từ 10 năm trở lên; cây khế, mận từ 15 năm thì khả năng đục thành hình trong thân, cây mới sinh trưởng tốt. Tùy theo hình dáng của cây, anh sẽ điêu khắc một bên đoạn thân gần gốc.
Anh Trần Quốc Việt bên gốc mận khắc tượng “Long tranh hổ đấu” giá 70 triệu đồng Ảnh: CA LINH
Đối với những bức tượng nhỏ, đơn giản như Phật Di Lặc cầm xâu tiền, ông Thọ… anh Việt mất 1 tuần để khắc hoàn chỉnh. Tượng Di Lặc dựa rồng, Quan Âm cưỡi rồng, Long tranh hổ đấu… phải 3 tuần đến 1 tháng mới làm xong. Anh Việt phải săn lùng trong tận vùng sâu, vùng xa để tìm những gốc cây lâu năm và thuê thêm 3 nhân công cho kịp các đơn đặt hàng trước Tết.
Theo lời nghệ nhân này, trong quá trình làm phải bảo đảm cây vẫn sinh trưởng tốt trong và sau quá trình bị đục đẽo. Khi đục thành hình sẽ xử lý hóa chất cho khô để không bị nở hay nứt tượng, tiếp đó là phủ lớp vàng 14K có pha hóa chất để lên màu như vàng 24K, cuối cùng là phủ lớp keo bên ngoài giữ màu. Quan trọng nhất là giữ cho cây tiếp tục sinh trưởng.
"Tết này, tôi có khoảng 100 sản phẩm phục vụ thị trường, giá từ 5-7 triệu đồng đối với tượng khắc trên cây 10-15 năm tuổi. Những bức kỳ công như Long tranh hổ đấu khắc trên cây mận 45 năm tuổi giá 70 triệu đồng, Di Lặc cưỡi rồng trên gốc khế 50 năm tuổi giá 60 triệu đồng và bảo hành 5 năm. Đã có nhiều khách hàng ở TP HCM, các tỉnh miền Tây, đặc biệt là các khu du lịch, đặt hàng" - anh Việt hồ hởi.
Lạ mắt với sứ "chân dài"
Cũng tìm sự khác biệt để thu hút khách, chàng trai Trần Duy Phong (34 tuổi; ngụ khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã nhập giống cây sứ từ Thái Lan về và dùng kỹ thuật kéo dài rễ cây. Anh Phong kể trong một lần đi du lịch Thái Lan, anh bị thu hút bởi loại sứ "chân dài" ở đó nên sau khi về nước anh đầu tư vườn và nhập giống.
Song song đó, anh Phong bắt đầu nghiên cứu kỹ thuật kéo "chân dài" cho cây sứ bằng cách biến rễ thành thân. Theo đó, cây sứ khoảng 8 tháng tuổi sẽ được nhổ lên, chừa lại một rễ phát triển mạnh nhất để "kéo" thành thân cây và cắt bỏ những rễ phụ. Rễ duy nhất này được kẹp bằng 2 thanh tre để tạo dáng thẳng rồi trồng cây xuống đất trở lại.
"Mỗi năm chỉ thực hiện việc kéo rễ thành thân 2 lần, mỗi lần như vậy cây sứ sẽ cao thêm khoảng 20 cm. Sứ có "chân" càng dài càng mất nhiều năm kéo rễ" - anh Phong chia sẻ và tự hào rằng hiện nay ở Việt Nam không ai có vườn sứ "chân dài" nhiều như anh. Để cung ứng cho thị trường Tết, cơ sở của anh chuẩn bị khoảng 800 cây đủ kích cỡ, giá 4-5 triệu đồng đối với cây thấp, 28-30 triệu đồng đối với cây cao trên 1 m. Đã có nhiều thương lái khắp nơi đến đặt hàng loại sứ "chân dài" này".
Biến hoa cúng thành kiểng thú giá trăm triệu
Hoa mẫu đơn Việt Nam hay còn gọi là hoa trang thường được người dân dùng để cúng trên bàn thờ nhưng chị Nguyễn Kim Loan (ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) đã tạo hình loài hoa này thành kiểng thú có giá trị thương mại cao. Hiện nay, nữ chủ nhân vườn kiểng thú hoa mẫu đơn có khoảng 200 loại thú lớn nhỏ với giá bán từ vài trăm ngàn đồng đến hàng trăm triệu đồng. Đáng chú ý là cặp long quy cao 2 m, dài 3 m, lưng đeo thỏi vàng ghép từ những cây hoa mẫu đơn gần 20 năm tuổi đang được chị Loan rao bán 400 triệu đồng.
Bình luận (0)