Ông Bùi Thanh Liêm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre - cho biết huyện cung ứng cho thị trường Tết nguyên đán năm 2020 khoảng 11 triệu sản phẩm các loại, hơn năm rồi một ít do sản lượng hoa treo nhiều. "Năm nay không có sản phẩm mới nhưng có nhiều mẫu hơn, như các loại tắc kiểng, mai vàng, bông giấy… được tạo hình mới lạ hơn những năm trước. Thời tiết đang thuận lợi cho việc trồng và chăm sóc hoa, kiểng nhưng còn 1 tháng rưỡi mới tới Tết nên không biết diễn biến như thế nào" - ông Liêm nói.
Nhà vườn Đà Lạt xuống giống hoa cúc cho dịp Tết sắp tới Ảnh: Đình Thi
Tại làng hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), các nhà vườn cũng đang tất bật gieo trồng để cung ứng cho thị trường Tết sắp tới. Năm nay, làng hoa này dự kiến tung ra 320.000 sản phẩm các loại. "Cúc pha lê và cúc thọ là 2 giống mới lấy từ Đà Lạt, được người dân địa phương trồng thử nghiệm để bán. "Nếu thời tiết thuận lợi như hiện nay, hoa sẽ nở đúng dịp Tết. Tuy nhiên, năm nay nhà vườn phải tốn nhiều chi phí hơn do dịch bệnh nên giá hoa các loại có thể tăng nhẹ so với năm trước" - ông Đoàn Hữu Bốn, Phó Chủ nhiệm làng nghề hoa kiểng Phó Thọ - Bà Bộ, dự đoán.
Với những hộ gieo trồng rau, màu, thời tiết hiện cũng rất thuận lợi nên dự kiến sẽ cho sản lượng cao. Ông Lê Văn Trung, Giám đốc HTX Rau an toàn Thành Lợi (xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, Vĩnh Long), cho biết: "HTX đã xuống giống khoảng 10 ha các loại như: bắp cải, đậu côve, hành, khổ qua… Ước sản lượng cung ứng cho các chợ ở TP Cần Thơ, Vĩnh Long trong dịp Tết Canh Tý khoảng 200 tấn".
Trong khi đó, với những người trồng bưởi tạo hình, sản lượng cho mùa Tết sẽ ít hơn năm trước do ảnh hưởng mưa làm cây ra hoa sớm. Ông Võ Thanh Thành (ngụ xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) phải cực công xử lý ra hoa đợt 2 để có bưởi tạo hình cung ứng cho khách hàng ngày Tết. "Sản lượng năm nay "bèo" hơn mọi năm, tổng nguồn mà các thành viên trong CLB Khuyến nông Phú Trí A cam kết bán cho khách hàng chỉ khoảng 6.000 trái. Giá bán các loại bưởi hồ lô tài lộc thỏi vàng đồng tiền, hồ lô tài lộc, hồ lô thư pháp… có thể tăng 20%-30% so với năm rồi. Hiện khách hàng tại Hà Nội, TP HCM đã đặt cọc khoảng 70% số lượng" - ông Thành nói.
Còn ông Trần Thanh Liêm (ngụ quận Bình Thủy, TP Cần Thơ) chuyên tạo hình thỏi vàng trên dưa hấu, mùa Tết này dự kiến chỉ đưa ra thị trường khoảng 350 cặp. "Trồng thì nhiều nhưng thu hoạch không như mong muốn vì sản lượng hao hụt nhiều do thời tiết bất thường. Hiện trời nắng tốt, hy vọng từ đây tới Tết không mưa nhiều để dưa phát triển" - ông Liêm mong mỏi.
Cũng theo nhà vườn kiêm nghệ nhân này, năm nay ông không còn nghiên cứu để cho ra khuôn mới tạo hình trên dưa hấu vì hiện nay có rất nhiều nơi làm dưa hấu thỏi vàng và khuôn dưa hấu thỏi vàng cũng được bán tràn lan trên mạng. Bằng chứng là tới thời điểm này, mới có 2 khách đặt hàng của ông. "Lúc mới làm khuôn dưa hấu thỏi vàng, tôi có đăng ký sở hữu trí tuệ, có đóng tiền đăng ký bản quyền nhưng trên mạng bán đầy khuôn nhái. Vì vậy, giờ không còn ham muốn phát triển cái mới nữa, vì làm ra cái nào đều bị người khác làm y như vậy mà không cơ quan nào đứng ra bảo vệ tôi" - nhà vườn này buồn bã.
Tại thủ phủ hoa Đà Lạt, ngày 3-12, ông Nguyễn Đức Cứ - Trưởng Phòng Kinh tế TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng - cho biết dịp Tết nguyên đán sắp tới, toàn tỉnh đã xuống giống hơn 10.000 ha rau, hoa các loại để cung ứng cho thị trường. So với năm trước, diện tích xuống giống rau và hoa Tết nguyên đán năm nay ít biến động.
Trong đó, với diện tích 1.065 ha các loại hoa đã được xuống giống gồm: ly ly, cát tường, đồng tiền, cẩm chướng, cúc, thạch thảo… tập trung chủ yếu tại các làng hoa chuyên canh như Thái Phiên (phường 12), Hà Đông (phường 8), Vạn Thành (phường 5), Xuân Thành (xã Xuân Thọ, TP Đà Lạt)... Tại làng hoa Thái Phiên, nơi sản xuất giống và hoa cúc lớn nhất Đà Lạt, người dân cũng đang tất bật chuẩn bị các loại giống cung cấp cho các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung.
Riêng mặt hàng rau, tại các vùng gồm TP Đà Lạt và 3 huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Đức Trọng (Lâm Đồng) đã xuống giống được hơn 9.000 ha và ước tính sẽ cung cấp khoảng 500.000 tấn rau, củ các loại ra thị trường cả nước. TP Đà Lạt, có 2.217 ha, sản lượng 74.691 tấn chủ yếu các loại đặc sản Đà Lạt như: Khoai tây, bắp cải (sú), cải thảo, cà rốt, súp lơ và rau ăn lá các loại.
TP HCM đã chủ động đặt hàng các tỉnh
Theo tin từ Sở Công Thương TP HCM, dự kiến Tết nguyên đán sắp tới, thị trường TP sẽ tiêu thụ khoảng 600.000 - 700.000 chậu mai, 250.000 - 300.000 chậu bonsai, 135 triệu cành các loại hoa cúc, hồng, cát tường, ly, cẩm chướng... Trong đó, 4 chợ chuyên doanh hoa lớn gồm Hồ Thị Kỷ, Đầm Sen và 2 chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức cung ứng khoảng 80% thị phần hoa cắt cành.
Để tránh tình trạng hoa Tết Canh Tý dội chợ, Sở Công Thương TP HCM đã thông tin đến Sở Công Thương 2 tỉnh Lâm Đồng, Đồng Tháp về sản lượng dự kiến tiêu thụ để có kế hoạch sản xuất, cung ứng. Đồng thời, sở đã làm việc với các chợ đầu mối trên địa bàn để chủ động đặt hàng theo nhu cầu để nhà vườn có kế hoạch bán hàng. Ngoài ra, sở cũng kiến nghị các quận, huyện có cho thuê địa điểm kinh doanh hoa Tết xem xét lại giá cho thuê và không cho đầu nậu gom ô vựa rồi bán lại cho nhà vườn với giá cao. T.Nhân
Bình luận (0)