Tại buổi khảo sát, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho rằng kinh tế Việt Nam đã hoạt động theo cơ chế kinh tế thị trường 24 năm, một số lĩnh vực do thị trường chứ không phải nhà nước quyết định; vai trò của nhà nước là quản lý, tạo hành lang cho thị trường vận hành thuận lợi. Hiện nay, TP HCM chỉ mới thực hiện bình ổn thị trường những mặt hàng thiết yếu mùa Tết để bảo đảm cho mọi người dân TP đều được đón Tết. Cơ quan chức năng không thể quản lý, can thiệp lượng hoa Tết các tỉnh, thành đưa về TP nhiều hay ít, dư thừa hay vừa đủ nhu cầu tiêu thụ, giá bán cao hay thấp... Sở Công Thương TP HCM chỉ có thể thông tin cho các tỉnh, thành về dự báo nhu cầu thị trường TP để các nơi chủ động kế hoạch sản xuất, cung ứng. Vì vậy, sở đề nghị HĐND TP HCM điều chỉnh phạm vi quan tâm chăm lo Tết cho người dân TP.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP HCM, các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn đã chuẩn bị gần 19.680 tỉ đồng hàng hóa dự trữ, cung ứng cho 2 tháng trước và sau Tết nguyên đán 2021 tăng 652,4 tỉ đồng (3,43%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết 2020. Đáng chú ý, lượng hàng chuẩn bị cho Tết nguyên đán 2021 tăng 4,4% - 17,3% so với kế hoạch TP giao và tăng 12% - 21,2% so với kết quả thực hiện Tết 2020. Nhiều nhóm hàng chuẩn bị lượng lớn, chi phối 22% - 54,5% nhu cầu thị trường như: thịt gia cầm 7.488 tấn (chiếm 54,5%), trứng gia cầm 67,9 triệu quả (47%), thực phẩm chế biến gần 1.052 tấn (28,1%), thịt gia súc 5.594 tấn (21%), dầu ăn gần 1.672 tấn (27,5%), gạo trên 3.943 tấn (31,5%)...
Doanh nghiệp đã chuẩn bị đầy đủ lượng hàng phục vụ 2 tháng trước và sau Tết nguyên đán
Sở Công Thương TP HCM cũng đã làm việc với những địa phương có nguồn cung lượng hàng lớn cho TP như Đồng Nai, Bình Dương, Lâm Đồng, Bến Tre, Đồng Tháp, An Giang và một số địa phương miền Trung, miền Bắc... để nắm bắt tình hình hoạt động nuôi trồng, sản xuất hàng hóa phục vụ Tết, hình thành chuỗi cung ứng từ sản xuất đến tiêu thụ, hỗ trợ đưa hàng hóa nông sản từ các tỉnh, thành vào hệ thống phân phối TP HCM và ngược lại.
Đến nay, các hệ thống phân phối truyền thống lẫn hiện đại tại TP HCM đã hoàn tất kế hoạch cung ứng hàng Tết. Trong đó, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ Tết với số lượng tăng 2-3 lần so với tháng thường. Những DN tham gia chương trình bình ổn thị trường đều cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết. Các DN này thực hiện nhiều chương trình khuyến mại giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với những mặt hàng thiết yếu như: thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm... Ngay từ thời điểm này, nhiều DN đã bắt đầu thực hiện các chương trình khuyến mãi, tập trung vào những mặt hàng Tết nhằm giúp sản xuất, kinh doanh phục hồi, cũng như thúc đẩy sức mua của người dân trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Sau buổi làm việc này, HĐND TP HCM sẽ khảo sát tại một số DN, chợ đầu mối để nắm bắt tình hình thực tế. Ông Triệu Đỗ Hồng Phước, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Chi cục Quản lý thị trường TP gửi báo cáo chính thức về công tác chuẩn bị Tết để HĐND tập hợp, chuẩn bị cho chương trình "Lắng nghe và trao đổi" tháng 1-2021 với chủ đề "Tết Tân Sửu 2021 - Vui tươi, tiết kiệm, an toàn". Trong đó, cần quan tâm đánh giá tác động của dịch Covid-19 và kế hoạch hành động trong tình huống dịch tái bùng phát, đặc biệt là công tác chuẩn bị nguồn hàng, kiểm soát giá cả hàng hóa.
Bình luận (0)