Đây là kỳ Hội chợ HVNCLC lần thứ 18 tại TP HCM và là một trong những hoạt động thiết thực hưởng ứng cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt do Bộ Chính trị phát động.
Cho dù hội chợ tổ chức không trùng vào dịp lễ 30-4 và 1-5 nhưng lượng khách đến tham quan vẫn không hề giảm so với những năm trước. Qua 6 ngày hội chợ, có khoảng 220.000 lượt khách tham quan. Một số doanh nghiệp đạt doanh số cao như SJC 1,2 tỉ đồng, MegaSun 700 triệu đồng, ABC 500 triệu đồng, Việt Đức Anh 400 triệu đồng, Song Long 300 triệu đồng, thời trang Hạnh 300 triệu đồng, Vạn Thành 250 triệu đồng, Vissan 220 triệu đồng, giày Việt 200 triệu đồng, Mỹ Ý Mỹ 200 triệu đồng...
Hội chợ với chủ đề “Đổi mới - Sáng tạo để phát triển bền vững”, còn tổ chức tọa đàm về chủ đề trên. Đại diện các trường đại học và doanh nghiệp đã chia sẻ những vấn đề tồn đọng của việc ứng dụng nghiên cứu vào thực tiễn như nghiên cứu xa rời với yêu cầu của doanh nghiệp, quan hệ giữa nhà trường với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, doanh số chuyển giao công nghệ còn thấp, những rủi ro trong việc đặt hàng nghiên cứu...
Nhiều ý kiến đề xuất kết nối tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa nhà sản xuất nông sản với kênh phân phối Horeca và hệ thống siêu thị nhằm tạo cơ hội gắn kết và trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp sản xuất nông sản theo quy trình VietGAP, GlobalGAP đến các siêu thị và các đơn vị thuộc kênh phân phối Horeca. Từ đó, có thể nâng tầm nông sản Việt Nam về cả chất và lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng trong và ngoài nước.
Các nhà sản xuất không chỉ giới thiệu quy trình trồng nông sản sạch theo công nghệ cao mà còn giới thiệu các loại rau củ quả giống mới. Các nhà sản xuất và phân phối đều nhận xét, rất cần những chương trình kết nối nông sản tương tự để rút ngắn khoảng cách từ nông trại đến các hệ thống siêu thị, Horeca và người tiêu dùng. Đồng thời, tạo tiền đề cho các loại nông sản chất lượng cao phát triển, nông sản không bị thương lái ép giá.
Bình luận (0)