Ngày 2-7, Hội Doanh nghiệp HVNCLC có buổi gặp mặt phóng viên các báo đài thông tin về những vấn đề liên quan đến HVNCLC trên các phương tiện truyền thông vừa qua, trong đó chủ yếu đề cập đến việc doanh nghiệp làm thế nào để đạt danh hiệu HVNCLC, cụ thể là Tập đoàn Asanzo được cấp danh hiệu này sau đó lại "dính" nghi vấn "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt".
Ngoài ra, hội này cũng làm rõ thông tin xuất hiện trên mạng về việc một số đối tượng lợi dụng HVNCLC để mời chào doanh nghiệp, cơ sở sản xuất với chi phí hàng trăm triệu đồng để được chứng nhận HVNCLC. Thậm chí, làm giả cả giấy chứng nhận HVNCLC.
Ông Nguyễn Tiến Tài, luật sư của Hội Doanh nghiệp HVNCLC
Tại cuộc gặp, ông Nguyễn Tiến Tài, luật sư đại diện của Hội Doanh nghiệp HVNCLC, khẳng định hội không thu bất kỳ đồng nào từ doanh nghiệp. Những thông tin như trên hội đã gửi đến cơ quan chức để kiểm tra, xử lý theo quy định.
Ông Tài cũng cho biết chi phí xác minh HVNCLC lấy từ phí hội viên. Việc doanh nghiệp tham gia hội hoàn toàn tự nguyện chứ không bắt buộc. Bằng chứng là năm 2019, có đến 541 doanh nghiệp đạt chứng nhận HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn, trong đó chỉ có 264 doanh nghiệp là hội viên.
Cũng theo ông Tài, quy trình xét duyệt cấp chứng nhận HVNCLC đòi hỏi doanh nghiệp phải cung cấp đầy đủ bộ hồ sơ, như chứng nhận chất lượng sản phẩm, chứng nhận về môi trường… Tiếp theo hội sẽ đưa thông tin doanh nghiệp đăng ký lên các phương tiện truyền thông để nhận phản hồi từ nhiều nguồn. Kế đến, hội có công văn gửi đến địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký xem doanh nghiệp này có chấp hành tốt pháp luật, có vi phạm về thuế không, sử dụng lao động có đúng quy định… Nếu không đáp ứng các điều kiện trên sẽ bị loại. Ngoài ra, doanh nghiệp đăng ký còn phải được người tiêu dùng bình chọn đạt tỉ lệ cao. Cuối cùng còn phải trải qua khâu xét duyệt từ các chuyên gia.
Riêng vụ Asanzo, ông Tài cho biết Asanzo được cấp chứng nhận HVNCLC nhưng qua kiểm tra chưa thấy họ sử dụng nhãn HVNCLC trên sản phẩm. Chiến dịch truyền thông của họ là "đỉnh cao của công nghệ Nhật Bản" cũng không sử dụng đến nhãn HVNCLC. "Nhãn HVNCLC không có vai trò trong chiến dịch truyền thông của Asanzo" - ông Tài thẳng thắn.
Cũng liên quan đến vụ Asanzo, Hội Doanh nghiệp HVNCLC khẳng định việc tước quyền sử dụng danh hiệu HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn đối với sản phẩm của Asanzo là quyết định kịp thời và đúng điều lệ.
Còn với những doanh nghiệp khác như Sunhouse, dùng logo HVNCLC cấp cho sản phẩm này để dán lên sản phẩm khác là vi phạm điều lệ của hội. Vì danh hiệu HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn được thực hiện hằng năm nên chỉ có giá trị một năm, doanh nghiệp sử dụng logo phải ghi rõ năm mà logo có hiệu lực. "Văn phòng hội phải thường xuyên trao đổi, kiểm tra, chấn chỉnh việc tuân thủ điều lệ trong sử dụng logo, danh hiệu HVNCLC để bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng" - ông Tài nói.
Bình luận (0)