. Ông TRẦN HỮU THẾ - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên:
Ông TRẦN HỮU THẾ
Hy vọng có những mùa mía ngọt
Phú Yên là vùng nguyên liệu trồng mía lớn của cả nước với diện tích 29.000 ha cùng hơn 20.000 hộ trồng. Ngành trồng mía đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của tỉnh, đặc biệt là các huyện miền núi như Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân. Tuy vậy, ngày vui không được kéo dài, những năm gần đây khi giá mía thấp, áp lực đường nhập khẩu khiến cây mía không còn ngọt như xưa.
Chúng tôi cảm nhận được "vị đắng" trên gương mặt của những nông dân khi họ phải nhìn thành quả lao động của mình là những cánh đồng mía bất tận trổ cờ phải đốt bỏ, nhà máy sản xuất hoạt động nhưng thua lỗ và "vị đắng" của lãnh đạo địa phương khi nguồn thu ngân sách chính từ cây mía bị ảnh hưởng.
Ngoài ra còn vấn đề chủ quan của ngành mía địa phương là vùng nguyên liệu chưa được tập trung bài bản, vấn đề tưới tiêu, giống cùng các vấn đề khác khiến ngành mía vốn ngọt như tên của nó nhưng nay đã có vị đắng thật sự.
Hội thảo hôm nay là sáng kiến chung giữa lãnh đạo tỉnh và Tổng Biên tập Báo Người Lao Động Tô Đình Tuân. Chúng tôi hy vọng có thể ghi nhận ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, từ thực tiễn của người trồng mía để xây dựng chính sách địa phương cho ngành mía. Qua đó, giúp nông dân sản xuất mía năng suất cao, giá thành thấp, chi phí thu hoạch thấp nhất để họ có lời; nhà máy đường yên tâm đầu tư cho nông dân, yên tâm sản xuất và bán được hàng để thu hồi được vốn, có lãi. Từ đó, chính quyền địa phương của những vùng trồng mía yên tâm với nguồn thu ngân sách, bảo đảm an sinh xã hội. Hy vọng hội thảo sẽ có những giải phảp khả thi để có mùa mía ngọt trong tương lai.
. Tiến sĩ TÔ ĐÌNH TUÂN,Tổng Biên tập Báo Người Lao Động:
Tiến sĩ TÔ ĐÌNH TUÂN
10 nhóm giải pháp phát triển ngành
Từ ý kiến ở các đầu cầu trực tiếp và trực tuyến, có thể phác thảo thực trạng ngành mía rất khó khăn, thể hiện ở diện tích giảm, năng suất giảm, chi phí tăng, thị trường thu hẹp.
Tôi tóm tắt 10 nhóm giải pháp để hỗ trợ, phát triển ngành mía đường trong thời gian tới:
Một là, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, từ lai tạo giống đến trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến để hạ giá thành.
Hai là, tận dụng tối đa phụ phẩm từ cây mía. Ví dụ bã mía cũng phải tận dụng được để đốt phát điện, làm đệm sinh học trong chăn nuôi... Có khi giá trị từ sản phẩm đường không cao bằng những sản phẩm khác. Phải làm sao để cây mía cũng giống cây dừa Bến Tre, có thể dùng được 100% phụ phẩm, không bỏ phí cái gì.
Ba là, cần thay đổi tập quán canh tác cũ manh mún, đơn lẻ. Chúng tôi nghĩ không phải ngày một ngày hai làm được mà cần lâu dài. Tôi lấy ví dụ Đồng Tháp có mô hình mỗi lĩnh vực một hội quán mà Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan dày công xây dựng khi còn làm Bí thư Tỉnh ủy, mỗi tuần gặp nhau một lần, uống trà và trao đổi kinh nghiệm. Bí thư, chính quyền địa phương, chuyên gia... cũng xuống giúp nông dân. Như thế thì một ngày chưa giải quyết được nhưng 10 ngày có thể giải quyết được, tạo động lực phát triển mạnh mẽ.
Bốn là, cần kiểm soát chi phí đầu vào. Giá phân bón tăng trên toàn thế giới, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng qua đây có thể thấy là chúng ta quá phụ thuộc vào phân bón nhập khẩu. Tại sao các nhà khoa học, các tập đoàn nhà nước không đầu tư nghiên cứu phân bón để chủ động, giảm dựa vào thế giới?
Năm là, kiểm soát đường nhập lậu vì nguồn đường bất hợp pháp này mà đường trong nước không cạnh tranh nổi.
Sáu là, tăng cường phòng vệ thương mại, chống bán phá giá, lẩn tránh thuế qua nước thứ ba.
Bảy là, tăng cường liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà khoa học, nhà DN và nhà nước. Ngành NN-PTNT đã kêu gọi và nói nhiều lần rồi. Đặc biệt, cần sự liên kết như trường hợp mía đường Thành Thành Công - Biên Hòa. Tôi rất tâm đắc câu mà Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói trong một tọa đàm về kết nối cung - cầu nông sản do Báo Người Lao Động tổ chức gần đây là: "Trước khi sống chung với dịch thì phải sống chung với nhau".
Tám là, vai trò của truyền thông. Đồng ý là cần truyền thông tích cực về ngành nhưng truyền thông phải đúng. Nếu không nói được nỗi khổ của nông dân thì nhà nước sao biết được để hỗ trợ? Cố gắng đi sâu đi sát đời sống nông dân, nói được lên tiếng nói của bà con...
Chín là, vấn đề vốn, tín dụng. Hiện một số ngân hàng đã tham gia nhưng có vẻ chưa mạnh mẽ lắm. Nông dân muốn làm lớn, mở rộng thì ngân hàng cũng cần có chương trình giúp nông dân, trong đó có nông dân trồng mía vì sản xuất manh mún thì khó làm giàu được.
Mười là, tăng cường chuyển đổi sản xuất hữu cơ. Đây cũng là mục tiêu của nông nghiệp Việt Nam theo hướng "thuận thiên", bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm sạch như Bộ NN-PTNT kêu gọi.
. Ông NGUYỄN QUỐC TOẢN - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT):
Ông NGUYỄN QUỐC TOẢN
Phải hình thành chuỗi liên kếtMục tiêu lớn nhất trong xây dựng ngành mía đường chính là người nông dân và lợi ích của người nông dân. Đó là trách nhiệm xuyên suốt của chúng ta để ngành mía đường phát triển bền vững.
Về giải pháp, đầu tiên và căn bản nhất là phải hình thành chuỗi liên kết giữa DN và nông dân.
Vấn đề phế phụ phẩm đường cũng rất quan trọng. Bộ trưởng Lê Minh Hoan rất trăn trở trong việc gia tăng giá trị phế phụ phẩm nông nghiệp, trong đó có đường. Việc này đòi hỏi DN đồng hành, bởi riêng bà con nông dân thì không làm được.
. Tiến sĩ CAO ANH ĐƯƠNG - quyền Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam,Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường:
Tiến sĩ CAO ANH ĐƯƠNG
Nâng cao nội lực ngành
Diện tích trồng mía và nhà máy mía đường giảm rất mạnh trong 3 niên vụ gần đây do tác động kép từ giá mía xuống thấp và biến đổi khí hậu. Số lượng nhà máy cả nước từ 36 còn 24 nhà máy. Tại Nam Trung Bộ số lượng nhà máy từ 9 còn 6 nhà máy đang hoạt động, diện tích mía, công suất, sản lượng đều giảm.
Tuy nhiên, ngành mía đường đã có dấu hiệu hồi phục từ việc chặn đường Thái Lan bán phá giá và được trợ cấp (Quyết định 1578 của Bộ Công Thương), cuối vụ mía 2020-2021, giá mía nguyên liệu tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.
Trước đó, năm 2020, Chính phủ ban hành Chỉ thị 28/2020 nâng cao năng lực ngành mía đường trong nước với các nhóm giải pháp về cơ giới hóa, giống, giảm giá thành, phát triển cánh đồng mía lớn...
Ngành mía đường cần tiếp tục nâng cao năng lực, bắt đầu từ khâu trồng mới đúng kỹ thuật, cơ giới hóa trong canh tác mía để giảm giá thành.
Thị trường có nhiều mẫu máy thu hoạch phù hợp quy mô của từng vùng, vì vậy địa phương và doanh nghiệp (DN) cần tập trung xác định vùng nào đưa máy vào được thì hỗ trợ vốn cho nông dân mua máy hoặc xây dựng xí nghiệp dịch vụ thu hoạch.
Hiện cũng có công nghệ áp dụng vào khâu quản lý để tiết giảm các chi phí quản lý máy móc, con người, khâu thu hoạch. Nếu thay sức người bằng AI (trí tuệ nhân tạo), giải pháp công nghệ, cảm biến... để giám sát khâu chăm sóc thì sẽ tiết giảm chi phí.
. Ông NGUYỄN THANH NGỮ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa:
Ông NGUYỄN THANH NGỮ
Tất cả phải theo thị trường
Tình hình thâm hụt nguồn nguyên liệu chính là bài toán đặt ra để DN sản xuất mía đường mạnh dạn đầu tư cho bà con nông dân.
Năm nay, chúng tôi tập trung tăng diện tích trồng thêm 25%, tăng năng suất dự kiến trên 40%. Chính sách của chúng tôi coi nông dân là khách hàng, ký hợp đồng trực tiếp chứ không qua thương lái, có mức độ chăm sóc phù hợp, đưa khoa học - kỹ thuật vào để giải quyết bài toán căn cơ. DN đã đầu tư 1.500 tỉ đồng cho khâu cơ giới, phục vụ cho cả nông trường của DN lẫn bà con nông dân, xử lý được các công đoạn từ làm đất cho đến khu hoạch.
Tôi muốn nhấn mạnh làm sao phát triển nông nghiệp bền vững, chuyển dần sang canh tác xanh, sản phẩm hữu cơ có giá trị cao, khác biệt, từ đó có thể mua mía cho bà con giá tốt hơn. Thị trường tốt mà mình mua giá thấp, bà con không hợp tác với mình. Tất cả đều phải theo thị trường.
. Ông SUBBAIAH, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam:
Ông SUBBAIAH
Cơ hội của ngành đường còn lớn
Chúng tôi là DN 100% vốn Ấn Độ đã hợp tác với nông dân từ năm 2000 và đạt được nhiều kết quả. Sự thành công của DN góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho nông dân các huyện, tạo việc làm 700 lao động và hàng ngàn người làm dịch vụ liên quan.
Ngành mía đường bị tác động bởi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), trong đó có đường Thái Lan được bán phá giá và trợ cấp với giá rẻ sang Việt Nam.
Thay mặt công ty, ngành mía đường, hàng ngàn nông dân cảm ơn Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đã ban hành quyết định chống bán phá giá, chống trợ cấp với đường Thái Lan, đây là phao cứu sinh cho ngành mía đường.
Nhờ trật tự thị trường được lập lại thông qua quyết định trên, năm nay nông dân trồng mía có lãi, cây mía cạnh tranh được với cây trồng khác.
Chúng tôi kiến nghị Bộ Công Thương sớm hoàn thành điều tra vụ lẩn tránh cho đường Thái Lan vòng qua Indonesia, Lào, Malaysia…; cần kiểm soát đường nhập lậu, đường lỏng.
Nhu cầu 2 triệu tấn đường/năm của Việt Nam là cơ hội lớn để tỉnh Phú Yên phát triển mạnh cây mía theo hướng bền vững.
. Nông dân VÕ VĂN ÚT (thị trấn Củng Sơn, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên):
Nông dân VÕ VĂN ÚT
Nông dân sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng
Tôi trồng mía đã nhiều năm, giai đoạn năm 2008-2012 rất thuận lợi, nông dân mua được xe hơi nhờ cây mía. Đến giai đoạn 2015-2019, người trồng mía điêu đứng bởi thiên tai, hạn hán khiến năng suất kém.
Đến niên vụ 2020-2021, thời tiết thuận lợi hơn, đặc biệt nhờ Bộ Công Thương chống được đường phá giá, trợ cấp từ Thái Lan khiến nông dân yên tâm sản xuất. Nông dân chúng tôi hiện nay sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng với đường ASEAN, sẵn sàng với nông nghiệp 4.0.
Tuy vậy, nông dân vẫn còn lo lắng về đường Thái Lan bán phá giá, trợ cấp, lẩn tránh qua nước thứ ba. Ngoài ra, trước bối cảnh giá xăng dầu tăng như hiện nay, nông dân mong muốn được hỗ trợ lưới điện nội đồng để thuận lợi tưới tiêu.
Bình luận (0)