Hội thảo "Để mía không đắng" do Báo Người Lao Động phối hợp UBND tỉnh Phú Yên tổ chức sáng 10-11 đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bộ - ngành, địa phương, hiệp hội nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần phát triển bền vững ngành mía đường Việt Nam.
Ngành mía đường không còn "ngọt"
Ông Đào Lý Nhĩ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Phú Yên - một trong số ít tỉnh có diện tích mía lớn của cả nước, nêu thực trạng những năm gần đây, diện tích sản xuất mía trên địa bàn tỉnh có xu hướng giảm, từ 27.949 ha năm 2017 còn 21.601 ha năm 2020. Lý do bởi ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.
Chưa kể, vùng nguyên liệu mía chủ yếu ở 3 huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa, Đồng Xuân nên khó áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh, luân canh, xen canh, làm giảm năng suất. Hệ thống thủy lợi và giao thông vùng nguyên liệu mía cũng còn nhiều hạn chế. "Đó là nguyên nhân khiến người trồng mía khi thấy cây trồng khác có khả năng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn thì từ bỏ cây mía" - ông Đào Lý Nhĩ nói.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, trên địa bàn tỉnh đến nay vẫn chưa có cơ sở sản xuất mía giống, chất lượng hom giống chưa được bảo đảm, chưa đạt yêu cầu kỹ thuật nên lượng giống đầu tư lớn trong khi tỉ lệ nảy mầm, khả năng sinh trưởng, phát triển không đồng đều. Mức độ cơ giới hóa trong sản xuất mía trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ và toàn diện, tập trung chủ yếu ở khâu làm đất và vận chuyển; công tác nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế...
Tình trạng trên cũng xảy ra ở tỉnh Khánh Hòa. Ông Đinh Công Thuận, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh này, phản ánh ngành mía đường gặp khó khăn do giá mía xuống thấp, nông dân không còn sức tái đầu tư. Ngoài ra, nắng nóng, mưa lũ và trình độ cơ giới hóa không cao khiến năng suất cây mía trên địa bàn thấp... Tuy vậy, tỉnh vẫn chỉ đạo các địa phương tập trung giữ diện tích mía quy hoạch là 18.200 ha. Trên cơ sở chỉ đạo đó, Sở NN-PTNT đã rà soát để có định hướng sản xuất phù hợp.
Theo ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, trước năm 2010, mía là cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh tại địa phương nhờ thích nghi thổ nhưỡng. Tuy nhiên, diện tích mía giảm dần, từ hơn 15.000 ha năm 2015 còn hơn 5.000 ha năm 2020. Cả tỉnh hiện chỉ có 1 nhà máy sản xuất đường đang hoạt động là Nhà máy Đường Phụng Hiệp và cũng chỉ sản xuất duy nhất mặt hàng đường, chưa sử dụng phụ phẩm từ mía để chế biến nâng cao giá trị. Do vậy, những năm gần đây, giá bán mía không ổn định, người trồng không có lãi hoặc lãi rất ít.
"Khâu thu hoạch chủ yếu làm thủ công, chi phí thu hoạch chiếm đến 25% chi phí giá thành, phương tiện vận chuyển hạn chế nên tốn nhiều thời gian, công lao động. Tại Hậu Giang chưa có giống mía có năng suất và chữ đường cao như mong muốn của bà con nông dân. Đáng lưu ý, đường nhập lậu gây nhiều khó khăn cho ngành mía đường ở địa phương" - ông Bạch Văn Sơn thông tin thêm.
Ông Trần Hữu Thế - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên và ông Tô Đình Tuân - Tổng Biên tập Báo Người Lao Động (đứng), chủ trì hội thảo “Để mía không đắng” diễn ra vào sáng 10-11. Ảnh: KỲ NAM
Gỡ bài toán giá mía
Nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành mía đường nói riêng và ngành nông nghiệp nói chung, ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN-PTNT, nhấn mạnh: Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan đang chỉ đạo chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp nên tư duy sản xuất cũng phải thay đổi, thích ứng. Trong đó, doanh nghiệp (DN), nông dân là chủ thể quan trọng nhất để thực thi việc chuyển đổi này.
Về giải pháp cụ thể, ông Nguyễn Quốc Toản cho rằng điều đầu tiên và căn bản nhất là phải hình thành chuỗi liên kết giữa DN và nông dân bên cạnh việc các viện nghiên cứu cùng DN nỗ lực nâng cao chất lượng giống để giảm chi phí trồng, sản xuất. "Đặc biệt, DN cần gia cố công tác quản trị ở các nhà máy chế biến nhiều hơn nữa, nhất là đầu tư vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Trong 5-10 năm tới, ngành đường Việt Nam sẽ cạnh tranh sòng phẳng với khu vực. Do vậy, vấn đề tôi muốn đặt ra cho DN lúc này chính là sự đổi mới về công nghệ" - ông Toản lưu ý.
Lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản bày tỏ mong muốn DN chủ động hiệp thương với nông dân để có giá mía hợp lý, phân chia lợi nhuận phù hợp, giúp nông dân yên tâm sản xuất. Về phía các địa phương, cần quan tâm đến việc liên kết của nông dân với DN để bảo đảm diện tích trồng; quan tâm vai trò các tổ hợp tác, tổ khuyến nông...
Đặc biệt, về nguồn vốn, lãnh đạo địa phương có thể đề nghị Ngân hàng Nhà nước cùng các ngân hàng thương mại rà soát, kịp tháo gỡ cho nông dân, DN thông qua giãn, giảm lãi suất. "Chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ NN-PTNT làm việc với Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính về tín dụng vi mô cho nông nghiệp và bảo hiểm cho nông nghiệp, đặc biệt là bảo hiểm xuất khẩu" - ông Nguyễn Quốc Toản cho hay.
Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, ông Nguyễn Văn Lộc, nói có 2 giải pháp theo ông là quan trọng, thiết thực nhất để ngành mía đường có lối ra. Thứ nhất, cần xây dựng thị trường đường lành mạnh, phát triển hài hòa. Theo đó, muốn ngành mía đường phát triển thì giá mía phải bảo đảm cho người nông dân sống được, đạt thu nhập tương đương hoặc cao hơn cây trồng cạnh tranh khác.
Để đạt mục tiêu, các cơ quan quản lý, địa phương cần có biện pháp hỗ trợ nông dân, DN; kiểm soát, ngăn chặn đường giá rẻ nhập lậu dìm giá đường trong nước khiến đầu ra bị phá hủy. Thứ hai, để bảo đảm năng lực cạnh tranh của cây mía, các địa phương, trong đó có tỉnh Phú Yên, cần xác định việc phải đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu trong tương lai để ứng phó tốt hơn.
Ông Nguyễn Thanh Ngữ, Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa, bày tỏ cần sự đồng hành, chung tay của Chính phủ, các bộ - ngành, ngân hàng, địa phương... để tháo những điểm vướng của ngành mía đường.
Tổng Giám đốc Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa cũng nêu nhiều giải pháp từ thực tế hoạt động, phát triển của DN. Cụ thể, cần giải quyết đồng bộ, căn cơ từ bài toán nguyên liệu đầu vào đến phát triển sản phẩm đồng hành, bổ sung cho sản phẩm đường. Muốn làm được, DN phải tích lũy tài chính, chấp nhận đầu tư lớn và có khả năng rủi ro. Ngoài ra, cần giải quyết tốt bài toán thị trường, làm thương hiệu; xây dựng kênh phân phối toàn diện từ sản xuất đến bán lẻ để tiết giảm chi phí ở khâu trung gian; tìm hiểu cơ hội tiềm năng của thị trường xuất khẩu, ví dụ xuất khẩu đường organic, đường phèn...
Phú Yên tăng cường hỗ trợ nông dân
Hội thảo đón tiếp hơn 10 nông dân trồng mía tiêu biểu để chia sẻ kinh nghiệm trồng mía và bày tỏ nguyện vọng với địa phương, cơ quan quản lý. Các nông dân kiến nghị nhà nước tiếp tục rà soát tình trạng đường Thái Lan né thuế bằng việc lẩn tránh qua nước thứ 3 trước khi về Việt Nam với giá rẻ; kiểm soát giá phân bón; đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa vào thu hoạch để giảm giá thành, tăng thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, cần chính sách hỗ trợ nông dân khi cây mía bị mất mùa do gặp thiên tai, lũ lụt; hỗ trợ điện nội đồng để phục vụ tưới tiêu...
Ông Trần Hữu Thế - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho biết tỉnh tiếp nhận ý kiến của bà con nông dân và sẽ có giải pháp để có điện nội đồng phục vụ tưới tiêu. Ngoài ra, trong nhiệm kỳ này, tỉnh đã có kế hoạch đầu tư 1.000 tỉ đồng cho thủy lợi phục vụ chuyên canh cây mía và cây trồng khác như: xây dựng hồ mới, sửa hồ đập, nâng cao khả năng tưới tiêu hồ nhánh.
Lãnh đạo tỉnh Phú Yên cũng đã làm việc với ngành nông nghiệp, công thương về việc tìm giải pháp ứng dụng nông cụ phù hợp trên địa bàn không bằng phẳng với giá thành thấp để nông dân đầu tư, giúp hạ giá thành, nâng cao cạnh tranh...
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH:
Bình luận (0)