Trong nền kinh tế toàn cầu hóa, mỗi quốc gia đóng góp vào nền kinh tế thế giới bằng bản sắc riêng của từng dân tộc, tạo thành nền kinh tế toàn cầu đa dạng, phong phú.
Trong hội nhập, có cạnh tranh, vì vậy, mỗi dân tộc cần thiết phải có bản sắc riêng, độc lập, tự chủ, nếu không sẽ bị hòa lẫn vào cái chung. Muốn vậy, phải có lực lượng doanh nghiệp (DN) dân tộc.
Xác định bản sắc riêng
Đó là những DN có sức cạnh tranh không chỉ trong nước mà cạnh tranh trên thị trường thế giới bằng chất lượng, quy mô và đặc thù của DN đó. Tôi cho rằng đã là DN dân tộc thì trong mục tiêu, phương thức kinh doanh, phải thể hiện được những gì đặc thù của cả nền kinh tế VN, mang bản sắc VN.
Tất nhiên, mục tiêu kinh doanh là lợi nhuận. Vậy bản sắc dân tộc trong các DN VN là gì? Phải chăng đó là lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc trong kinh doanh, là ý chí vươn lên khắc phục khó khăn, nâng cao sức cạnh tranh, làm rạng rỡ thương hiệu VN trong nước và trên thế giới?
Để có thương hiệu mạnh, DN mạnh, nhất thiết phải xác định được thế mạnh của mình. Hiện nay, Đảng ta đang nghiên cứu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ 2011-2020, trong đó xác định mũi nhọn của nền kinh tế để tập trung phát triển.
Đây là vấn đề hết sức hệ trọng. Các nền kinh tế có thể có nguồn tài nguyên giống nhau nhưng cái khó là dùng trí tuệ để chế biến tài nguyên ấy, tăng thêm giá trị mới trong mỗi sản phẩm, thành sản phẩm cạnh tranh được trên thế giới.
Để có thương hiệu mạnh, doanh nghiệp mạnh, nhất thiết phải xác định được thế mạnh của mình.
Trong ảnh: Sản phẩm của Bita's đã được khách hàng tin dùng. Ảnh: T.THẠNH
Ví dụ, ta có tài nguyên khoáng sản, có nông sản giá trị, nhưng cứ xuất những sản phẩm ấy ở dạng thô, thì không thể nói đó là sản phẩm mang trí tuệ VN. Vì vậy, điều quan trọng là cần xác định được sản phẩm nào là đặc trưng cho nền kinh tế VN, mang đậm hàm lượng trí tuệ sáng tạo của con người VN, đặc thù của thương hiệu quốc gia.
Về hình thức tổ chức, có thể hiểu DN dân tộc thể hiện được sức mạnh của cả khối đại đoàn kết dân tộc, của các thành phần kinh tế. DN dân tộc có thể có nhiều quy mô lớn nhỏ khác nhau, mỗi loại quy mô có những ưu thế riêng; song để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phải có những DN dân tộc quy mô lớn.
Con đường tốt nhất để hình thành các DN dân tộc quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế mạnh là Nhà nước tạo cơ chế để bản thân các DN tự sáp nhập thành những tập đoàn đa sở hữu, đa ngành nghề, tự bầu chọn hoặc thuê giám đốc điều hành, tự chủ trong kinh doanh. Việc hình thành các tập đoàn phải dựa trên cơ sở các yếu tố kinh tế chứ không phải lắp ghép bằng biện pháp hành chính.
Công khai, minh bạch cơ chế
Đương nhiên, để có những DN dân tộc, lực lượng DN dân tộc hùng mạnh, rất cần thiết có sự quản lý, điều hành của Nhà nước, trước hết là bằng hệ thống thể chế, chính sách. Nhà nước có chính sách ưu đãi cho DN theo ngành nghề nhằm hình thành cơ cấu hợp lý của nền kinh tế, ưu đãi những DN kinh doanh trong vùng sâu, vùng xa, có nhiều khó khăn,...
Hạn chế lớn nhất của chúng ta là chưa tạo được sự gắn kết giữa các DN với nhau chính là vì hệ thống thể chế, chính sách của chúng ta chưa hoàn chỉnh. Chúng ta chưa thực sự có cơ chế thị trường cạnh tranh, các yếu tố hoạt động cho một DN tồn tại và phát triển còn thiếu công khai, minh bạch.
Có những trường hợp một DN lớn lên không phải bằng sức mạnh bản thân mà có khi dựa vào các mối quan hệ, mạnh ai nấy chạy, hình thành các nhóm lợi ích khác nhau. Nếu chính sách của Nhà nước bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch, DN có thể tiếp cận được một cách bình đẳng các nguồn lực của đất nước và trưởng thành.
Khi đã bình đẳng, họ sẽ đoàn kết lại, thực hiện liên kết, liên doanh, rồi từng bước hình thành những DN dân tộc mạnh.
Có thể xem chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, xây dựng đội ngũ DN dân tộc là cơ hội để cấu trúc lại từng DN và cấu trúc lại hệ thống DN trong cả nước.
Bình luận (0)