Chúng ta bắt đầu nỗ lực xây dựng một lực lượng doanh nghiệp (DN) dân tộc tiêu biểu cho VN vào lúc ngôi vị trên thế giới có vẻ như đã an bài: Mỹ mạnh về công nghệ cao; Nhật Bản và Hàn Quốc thống trị hàng tiêu dùng cao cấp như ô tô, điện máy; Trung Quốc chiếm lĩnh thị phần hàng tiêu dùng giá rẻ. Cơ may nào cho lực lượng DN VN tìm kiếm chỗ đứng trên toàn cầu?
Từ ngoài nhìn vào
Thử đặt mình vào vị trí một người bên ngoài nhìn vào trong nước, chúng ta sẽ tránh được những suy nghĩ lạc quan thái quá và vội vã. Nhưng làm sao để có cái nhìn của người bên ngoài? Tôi đề nghị làm một giả định như sau: Theo bảng công bố GDP 2008 của Ngân hàng Thế giới (WB), GDP VN là 90 tỉ USD so với 60.000 tỉ USD toàn cầu, chiếm tỉ lệ 1,5 ‰. Dân số VN 83 triệu người so với 6,7 tỉ dân số thế giới, chiếm khoảng 1,2%. Bây giờ, chúng ta giả định VN là toàn cầu và tìm một tỉnh nào đó có dân số gần 1,2% dân số cả nước và GDP cũng vào tầm 1,5 ‰ GDP cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chúng ta có thể chọn ra tỉnh Quảng Bình. Dân số tỉnh Quảng Bình là 857.000, chiếm khoảng 1% cả nước và GDP tỉnh này là 2.993 tỉ đồng, chiếm gần 2 ‰ so với cả nước.
Vậy là chúng ta xác lập được một sự so sánh gần đúng: VN so với toàn cầu cũng gần như Quảng Bình so với cả nước VN, ít ra là về mặt dân số và GDP. Từ góc độ của cả nước nhìn về Quảng Bình, chúng ta nghĩ tỉnh này nên làm gì để các DN trong tỉnh có một chỗ đứng trong nền kinh tế nước nhà. Hàng thực phẩm chế biến thì đã có sữa Vinamilk; bánh kẹo Kinh Đô, Bibica; nước giải khát Tân Hiệp Phát, Tribeco; hàng tạp phẩm tiêu dùng thì đã có nhựa Đại Đồng Tiến, Duy Tân và hàng loạt cơ sở sản xuất nhỏ quận 11, quận Tân Bình - TPHCM... Dẫu Sở Công Thương Quảng Bình có ưu ái cho một DN nào đó về vốn và mặt bằng, tỉnh này vẫn khó cạnh tranh nổi với nhựa ở TPHCM.
Cứ thử hình dung 5 hay 10 năm nữa, có cơ may nào không cho một DN từ Quảng Bình (hay Kon Tum, Hà Giang...) được mọi người nhắc đến như là một hình ảnh tiêu biểu của tỉnh. Cứ thử ngồi vào vị trí lãnh đạo tỉnh Quảng Bình để trằn trọc suy nghĩ làm sao cho tỉnh nhà có một lực lượng doanh nhân tiêu biểu, được cả nước biết đến trong bối cảnh “đặc sản Quảng Bình” được nhắc đến chỉ là rắn đẻn biển, khoai lang dẻo hay bánh khoái...
Còn cơ hội nhưng phải biết chọn lối đi
Qua thang đo giả định nói trên, tôi muốn cho thấy một cách gần đúng rằng cộng đồng thế giới đang nhìn về kinh tế của VN như cả nước đang nhìn về kinh tế tỉnh Quảng Bình, cho dù đó là vùng địa linh nhân kiệt.
Cùng hoàn cảnh kinh tế nhưng khá hơn VN nhiều là các nước Đông Âu, cũng sẽ rất khó kiếm ra được những DN tiêu biểu hiện thời cho Hungary, Bulgaria, CH Czech, Ba Lan... Giới công nghệ thông tin gần đây thường nhắc đến thương hiệu phần mềm chống virus Bit Defender của Romania và Kaspersky của Nga như là hai thương hiệu mới nổi trong lĩnh vực phần mềm. Từ đó thấy rằng khe hẹp để chen chân có vẻ như chỉ là lĩnh vực công nghệ cao giàu hàm lượng chất xám. Nếu ai nói 5 năm nữa tỉnh Quảng Bình sẽ nổi lên một DN sản xuất điện máy hay điện gia dụng thì sẽ rất khó tin, nhưng nếu nói rằng sau khoảng thời gian ấy có một nhóm kỹ sư phần mềm xuất sắc từ Quảng Bình bắt đầu chen vai thích cánh với các đồng nghiệp ở TPHCM và Hà Nội, tôi nghĩ khả năng đó có thể xảy ra.
Lối thoát khả thi
|
Bình luận (0)