Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm, việc kết nối 4 nhà (nhà nước - nhà khoa học - ngân hàng - doanh nghiệp) để phát triển các nhóm sản phẩm chủ lực của TP HCM trong hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở các ngành công nghiệp chủ lực. Việc liên kết này nhằm phát triển nguồn nhân lực hình thành các sản phẩm mới và cải tiến, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.
Đến nay, TP HCM đã ban hành danh mục các nhóm sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp tiềm năng và danh mục nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP, đồng thời chỉ đạo các sở - ngành tham mưu các cơ chế, chính sách hỗ trợ một số nội dung liên quan để phát triển các ngành này thành những thương hiệu của TP song song với việc khuyến khích phát triển nền công nghiệp ứng dụng khoa học - công nghệ trong quá trình sản xuất, chế biến và bảo quản, nâng cao khả năng kiểm soát chất lượng và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Thực hiện chỉ đạo trên, các sở - ngành đã triển khai nhiều chương trình thúc đẩy, hỗ trợ DN thiết thực.
Theo GS-TS Nguyễn Kỳ Phùng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, thông qua Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, ngân hàng, TP HCM rất chú trọng đến việc thúc đẩy, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ trong DN, với việc xác định lấy DN là trung tâm của đổi mới khoa học - công nghệ trong mối quan hệ hợp tác phát triển giữa nhà nước - DN - trường, viện. Từ sự hỗ trợ này, nhiều DN đã được tiếp sức để lớn mạnh, bứt phá. Nhiều năm qua, các chương trình hỗ trợ của TP HCM đã tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác các bên với kết quả khả quan: trên 90% nhiệm vụ khoa học và công nghệ xuất phát từ yêu cầu đổi mới công nghệ thiết bị, dây chuyền sản xuất của DN.
TP HCM triển khai nhiều chính sách thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chủ lực
Riêng về hỗ trợ vốn, thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP HCM cho thấy đến nay chương trình kích cầu đầu tư của TP đã phê duyệt 281 dự án với tổng mức đầu tư hơn 23.700 tỉ đồng, trong đó số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi suất là hơn 11.200 tỉ đồng; bình quân số vốn đầu tư một dự án là 84,69 tỉ đồng. Tuy nhiên, qua chương trình cũng đã bộc lộ một số hạn chế. Một bộ phận DN chưa mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại; đa số DN quy mô vừa và nhỏ, thiếu kinh nghiệm trong việc lập dự án và không có tài sản thế chấp nên không được các tổ chức tín dụng thẩm định, đồng ý cho vay nên chưa thể tham gia chương trình kích cầu; các tổ chức tín dụng chưa thẩm định hết nội dung theo quy định chương trình như tính khả thi của dự án, khả năng tài chính, kế hoạch trả nợ...
Hầu hết DN đánh giá cao chính sách cho vay vốn kích cầu của TP HCM trong thời gian qua bởi chính sách này đã giúp DN mở rộng phát triển rất hiệu quả và đóng góp thiết thực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Theo UBND TP, 10 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,3% so cùng kỳ năm 2018. Trong đó, nhóm ngành công nghiệp chủ lực có mức tăng trưởng cao tới 7,3%. Nhóm ngành sản xuất hàng điện tử có mức tăng cao nhất do các DN thường xuyên ứng dụng các công nghệ mới, hiện đại; các sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ cao và có thị trường xuất khẩu ổn định.
Bình luận (0)