xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực cho TP HCM

THÁI PHƯƠNG

Sẽ có những chính sách, định hướng phù hợp để đồng hành, hỗ trợ giúp nâng sức cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp chủ lực

Ngày 25-7, Sở Công Thương TP HCM đã tổ chức hội thảo nhằm ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) nhằm xây dựng các tiêu chí lựa chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực, gắn với thương hiệu của TP.

Sản phẩm cũ mất dần vị thế

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết trong những năm qua, kinh tế TP vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng, phát triển. Tuy nhiên, với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế của khu vực, đòi hỏi việc phát triển kinh tế ở mức cao nên việc xác định sản phẩm chủ lực của TP rất quan trọng. Xây dựng chương trình sản phẩm chủ lực với các tiêu chí phù hợp sẽ tiếp tục tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế TP phát triển bền vững.

Chọn sản phẩm công nghiệp chủ lực cho TP HCM - Ảnh 1.

Doanh nghiệp đề xuất một số sản phẩm thực phẩm có thể là chủ lực của TP HCM như mì ăn liền, nước uống đóng lon, sữa... Ảnh: TẤN THẠNH

Vấn đề là chọn ngành nghề, mặt hàng nào là sản phẩm công nghiệp chủ lực và dựa trên tiêu chí nào để từ đó có chính sách hỗ trợ phù hợp?

Bà Lý Thị Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm TP, cho biết giai đoạn năm 2002-2005, TP dẫn đầu cả nước về phát triển các sản phẩm chủ lực, với khoảng 35 DN tham gia chương trình, có sản phẩm chủ lực ở nhiều lĩnh vực. TP cũng đã hỗ trợ hàng ngàn tỉ đồng đầu tư vốn vay mua sắm thiết bị, hỗ trợ DN tham gia chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá.

Thời điểm đó, Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển sản phẩm chủ lực TP đã công nhận 11 DN với 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn chính thức là sản phẩm chủ lực như mì ăn liền của Acecook Việt Nam, sữa đậu nành và nước ngọt lon Tribeco, dây cáp điện Tân Cường Thành, ống thép Hữu Liên Á Châu, sản phẩm may mặc Việt Tiến, xe buýt và xe chuyên dụng của Samco, nệm cao su thiên nhiên Kymdan, săm lốp ôtô và xe máy Casumina… Tuy nhiên, đến nay những sản phẩm này đã không còn vị thế là các sản phẩm chủ lực vì nhiều lý do khác nhau.

Nghiên cứu của các chuyên gia từ ĐH Fulbright gồm TS Huỳnh Thế Du và TS Hoàng Văn Thắng cũng đề cập từ khoảng năm 2000, TP đã định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế dựa trên phát triển 4 nhóm ngành công nghiệp chế biến và 9 nhóm ngành dịch vụ. Trong đó, các nhóm ngành công nghiệp chủ lực gồm chế biến lương thực - thực phẩm, hóa chất - cao su, cơ khí - điện tử và công nghệ thông tin. Trải qua gần 20 năm sau chủ trương này, các ngành công nghiệp đã có sự phát triển nhất định nhưng chưa đáp ứng được kỳ vọng.

Chẳng hạn với ngành điện tử và công nghệ cao, TP đã có những nỗ lực rất lớn, thu hút tập đoàn Intel đầu tư dự án quy mô 1 tỉ USD. Nhưng xét về khía cạnh phát triển cụm ngành công nghiệp điện tử thì kết quả đạt được là rất khiêm tốn, giá trị gia tăng mà Intel tạo ra cũng rất khiêm tốn. "Nguyên nhân cơ bản làm cho cụm ngành điện tử gắn với công nghệ cao ở TP và Việt Nam chưa phát triển là do cách tiếp cận cụm ngành chưa được quan tâm. Chúng ta mới chỉ quan tâm thu hút FDI mà chưa chú ý đến việc khai thác tác động lan tỏa của những DN hàng đầu" - TS Huỳnh Thế Du nói.

Không nên bình chọn theo phong trào

Nếu tiếp tục xây dựng chương trình sản phẩm chủ lực, theo các DN, cần dựa trên những tiêu chí như tỉ trọng giá trị sản lượng sản phẩm so với tổng giá trị sản lượng toàn TP; tốc độ tăng trưởng của sản phẩm trong TP; hệ số vượt trội của sản phẩm; tỉ trọng xuất khẩu của sản phẩm so với toàn TP; quy mô thị trường…

"Ngoài các tiêu chí chung, ngành lương thực thực phẩm còn có những tiêu chí đặc thù. Một số sản phẩm của ngành có khả năng đáp ứng tiêu chí, xứng đáng trở thành sản phẩm chủ lực của TP như trứng gà, mì ăn liền, nước uống đóng lon, sữa, xúc xích, lạp xưởng…" - bà Lý Thị Kim Chi đề xuất.

Cũng theo chủ tịch Hiệp hội Lương thực - Thực phẩm, cần xây dựng và lựa chọn lại các tiêu chí phù hợp. Bởi nếu tiêu chuẩn bình chọn không thể hiện tính tích cực, sự cố gắng vươn lên của DN thì việc bình chọn sẽ mang tính đại trà, kinh phí đầu tư bị phân tán. Không nên xem việc bình chọn là phong trào, lấy thành tích.

Ông Trần Quốc Toản, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco), cho rằng quá trình chọn sản phẩm chủ lực của TP cần thêm yếu tố dự báo ngành nghề. Vì trong xu hướng phát triển của công nghệ 4.0 hiện nay, nếu không dự báo, ngành nghề vừa được ưu tiên phát triển xong lại bị thị trường đào thải là không ổn. TP cần cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ DN phát triển, chứ không hẳn hỗ trợ nguồn lực cụ thể. Như việc Samco đang nghiên cứu xe buýt chạy bằng gas, chuẩn bị sản xuất xe buýt điện nên cần chính sách hỗ trợ từ TP là quy định các phương tiện công cộng chạy xe buýt gas, điện...

"Chọn sản phẩm chủ lực không phải chọn DN cụ thể rồi được hỗ trợ mà cần định hướng, chính sách lâu dài. Hiện tại, gần như các chính sách ưu đãi về đất đai, vốn… đều có nhưng tiếp cận lại không dễ. Do đó, quan trọng là đừng để chính sách ban hành mà DN chỉ nhìn thấy nhưng không với tới được" - ông Toản bày tỏ.

Giám đốc Sở Công Thương TP Phạm Thành Kiên cho biết sẽ ghi nhận toàn bộ ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, DN xung quanh việc xây dựng tiêu chí để tìm kiếm sản phẩm công nghiệp chủ lực của TP. Sắp tới, sở cũng sẽ tiếp tục tổ chức thêm nhiều hội thảo khác để xin ý kiến nhằm tìm kiếm sản phẩm chủ lực không chỉ là công nghiệp mà còn dịch vụ, du lịch, tài chính… Từ đó, có chính sách hỗ trợ các DN có sản phẩm chủ lực phát triển, nâng cao năng lực giá trị, sức cạnh tranh, tạo điều kiện cho kinh tế TP phát triển mạnh mẽ hơn.

Cần hậu kiểm chính sách

PGS-TS Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP HCM, cho rằng thời gian qua TP có rất nhiều chính sách ưu đãi, chính sách hỗ trợ và hình thành nhiều quỹ hỗ trợ DN khởi nghiệp, sáng tạo, kích cầu... Nhưng các DN nói rằng tiếp cận rất khó. Đây mới là trở ngại mà DN băn khoăn. Do thể chế đưa ra không phù hợp, hay do yếu tố nào khác? "Vì sao ngân sách TP dành nhiều để hỗ trợ DN, nguồn lực còn rất nhiều nhưng DN không tiếp cận được. Cơ quan quản lý cần dành thời gian "hậu kiểm" để chính sách đó đi vào cuộc sống" - ông Ngân nói.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo