Nhiều doanh nghiệp (DN) du lịch lớn ở TP HCM đã chia sẻ như trên tại hội nghị triển khai liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng được tổ chức tại tỉnh Phú Thọ ngày 15-11.
Đây là hoạt động tiếp theo trong khuôn khổ hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP HCM và các tỉnh Tây Bắc mở rộng năm 2020 nhằm tăng cường kết nối, tăng hiệu quả liên kết hợp tác giữa các DN lữ hành TP với các DN du lịch ở 8 tỉnh Tây Bắc. Trao đổi tại hội nghị, nhiều DN lữ hành lớn ở TP đang khai thác nhiều tour du lịch đến khu vực Tây Bắc trong những năm qua đã góp ý các vấn đề về chất lượng dịch vụ.
Ông Trần Thanh Vũ, Giám đốc Công ty Du lịch Vinagroup, phản ánh các đợt khảo sát điểm đến ở vùng Tây Bắc vừa qua cho thấy nhà vệ sinh tại không ít điểm tham quan chưa sạch sẽ; một số homestay, nhà nghỉ, khách sạn 2-3 sao nhưng khu vực ăn uống, nhà vệ sinh chưa đạt tiêu chuẩn nên du khách e ngại… Theo các DN, vấn đề đầu tiên du khách quan tâm khi đi du lịch là an toàn thực phẩm, vệ sinh sạch sẽ, do đó cần cải thiện để khách hài lòng.
Các điểm đến Tây Bắc giới thiệu đặc sản địa phương cho khách tham quan Ảnh: LAM GIANG
Bà Nguyễn Ngọc Trang, Phó Giám đốc phụ trách lữ hành Công ty Du lịch Hòa Bình Việt Nam, cho biết đang đón rất nhiều đoàn đi Tây Bắc, Đông Bắc từ nay đến cuối năm. Dù vậy, một khó khăn DN đang gặp phải khi đưa khách đến Sa Pa (tỉnh Lào Cai) là cuối tuần điểm đến này cấm ôtô lớn trên 30 chỗ vào trung tâm nhưng vẫn có một số xe "lách" được, ảnh hưởng đến hình ảnh chung và khiến du khách bức xúc. Do đó, nếu có quy định cấm phải đồng bộ và tính phương án để phục vụ khách tốt hơn.
"Một số điểm tham quan ở tỉnh Lào Cai áp dụng giảm giá, không thu vé tham quan để kích cầu nhưng lại bớt hướng dẫn viên tại điểm đến và không bảo đảm chất lượng vệ sinh, dịch vụ. Thậm chí, chúng tôi vừa đưa đoàn hơn 21 khách đi tham quan ở Lào Cai nhưng bị tới khoảng 45 người dân gồm phụ nữ, trẻ em đeo bám du khách" - bà Nguyễn Ngọc Trang nói và đề xuất nếu đã giảm giá để kích cầu thì phải giữ chất lượng để phục vụ khách tốt nhất.
Một vấn đề được nhiều DN chia sẻ trong quá trình liên kết, hợp tác để xây dựng, phát triển sản phẩm mới ở các điểm đến là thiếu thông tin. Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng Giám đốc Công ty Lữ hành Fiditour, cho biết các tour, sản phẩm đến vùng Tây Bắc chủ yếu DN tự xây dựng sau quá trình đi khảo sát, tự tìm hiểu và DN rất cần thông tin từ các DN du lịch ở từng địa phương để có thêm sản phẩm mới.
Bà Huỳnh Phan Phương Hoàng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vietravel, cho biết lúc này DN lữ hành cần nhất là thông tin, vì muốn xây dựng sản phẩm cần dữ liệu thông tin từ 3-6 tháng rồi chuẩn bị, đưa ra thị trường quảng bá sản phẩm nên rất cần sự chung tay của các hiệp hội du lịch, DN ở từng địa phương, điểm đến.
Nhiều DN đánh giá một trong những điểm nổi bật, đặc sắc của du lịch 8 tỉnh Tây Bắc là ẩm thực. Do đó, làm sao khai thác ẩm thực địa phương để trở thành sức hút trong tour. Chẳng hạn, đặc sản ẩm thực của tỉnh Phú Thọ trong từng bữa ăn cần khác nhau, đi kèm vào đó là những câu chuyện của từng món ăn được hướng dẫn viên giới thiệu trước nhằm tạo sự hấp dẫn cho du khách khi thưởng thức…
Đại diện Hiệp hội Du lịch TP và 8 tỉnh Tây Bắc cho biết đã có phương án để kết nối, cung cấp thông tin cho DN du lịch ở các địa phương nhằm đưa việc liên kết, hợp tác du lịch đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.
Bình luận (0)