Báo cáo cho thấy thị trường bán lẻ tại Việt Nam có dấu hiệu suy yếu dần kể từ đầu tháng 2-2020 khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát và tiếp sau đó là hai đợt vào đầu tháng 4 và cuối tháng 7.
Ông Troy Griffiths, Phó Tổng giám đốc, Savills Việt Nam, cho biết Covid-19 đã tác động trực diện lên thị trường cho nhà phố thuê gần như ngay lập tức. Khách thuê là doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ bị mất doanh thu đột ngột hơn là những nhà bán lẻ quy mô lớn. Nhiều chuỗi ăn, uống (F&B) và chuỗi cửa hàng thời trang phải đóng cửa những chi nhánh hay địa điểm có doanh thu kém, làm tăng diện tích trống của cả thị trường. Những điểm bán lẻ phụ thuộc vào khách du lịch ở khu trung tâm cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi việc giãn cách xã hội và việc hạn chế đi lại. Kể từ đầu tháng 2, nhiều nhà bán lẻ đã không gia hạn hợp đồng thuê.
Một mặt bằng cho thuê tại TP HCM
Những người muốn giữ lại vị trí đắc địa sau đại dịch phải tạm thời đóng cửa hoặc tìm cách giảm giá thuê. Khảo sát gần đây của Savills Việt Nam cho thấy khách thuê mong muốn chiết khấu lên đến 40% so với mức 20% tối đa được đưa ra.
Bước sang quý III/2020, nguồn cung mặt bằng cho thuê tại TP HCM tụt xuống còn 1,5 triệu m2, công suất cho thuê trung bình 94%, giảm 2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân là do đại dịch khiến một số nhà bán lẻ, chủ yếu ở khu vực ngoài trung tâm TP HCM phải chấm dứt hợp đồng hoặc chuyển địa điểm thuê. Điều này buộc các chủ đầu tư có mặt bằng bán lẻ cho thuê phải miễn cưỡng điều chỉnh giá thuê hoặc áp dụng các ưu đãi ngắn hạn, ví dụ như giảm khoảng 2 USD phí dịch vụ hằng tháng hoặc giảm giá thuê 30% cho khách thuê mới trong vài tháng. "Giá thuê thấp hơn có thể sẽ tạo động lực cho ngành bán lẻ nhưng cũng buộc các nhà bán lẻ truyền thống cần phải đổi mới chiến lược phù hợp hơn" - Savills Việt Nam nhận định.
Về triển vọng của thị trường trong thời gian tới, một cuộc khảo sát của Savills Việt Nam vào quý III/2020 cho thấy nhiều khách thuê ngành F&B và thời trang đã đóng cửa hoặc giảm diện tích thuê. Xu hướng giảm quy mô này có khả năng tiếp tục trong trung hạn.
Bình luận (0)