Trước đây, người nội trợ Việt Nam chủ yếu nấu ăn bằng gia vị tươi như: hành, tiêu, ớt, tỏi, sả, gừng… nên ngành hàng gia vị đóng gói chỉ có vài loại đơn giản như: nước mắm, nước tương, tương ớt, tương cà, bột ngọt, bột nêm… Còn nay, khi công nghiệp chế biến, dịch vụ ăn uống phát triển, người nội trợ bận rộn hơn đã tạo ra sự thay đổi lớn cho ngành hàng gia vị.
Bán muối chấm thu tiền tỉ
Người tiêu dùng đi chợ mua trái cây thường mua kèm 1 gói muối sấy nhỏ 20 g với giá 2.000 đồng để chấm cho đậm đà, không ngờ góp phần giúp doanh thu của nhà sản xuất lên đến 80 tỉ đồng năm 2021.
Con số trên được chính ông Huỳnh Văn Bé, chủ cơ sở chế biến muối sấy Ngọc Yến (tỉnh Đồng Tháp), tiết lộ tại một sự kiện diễn ra ở TP HCM đầu năm 2022. Ông Bé cho biết 16 năm trước, khi ông bắt đầu làm muối sấy, sản lượng chỉ 5 - 10 kg/ngày nhưng nay đã lên đến 6 tấn/ngày. Ngoài phục vụ thị trường nội địa, sản phẩm của cơ sở đã xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc. Đây là niềm tự hào của một doanh nông như ông.
Được mệnh danh là "ông trùm gia vị" của Việt Nam khi sản phẩm được phủ khắp các hệ thống siêu thị trong nước, ông Nguyễn Trung Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Dh Foods, cho biết doanh số năm 2021 của công ty đạt 150 tỉ đồng, tăng 61% so với năm 2020. Hiện nay, Dh Foods có hơn 170 mã sản phẩm thuộc nhiều dòng nhưng các loại muối tôm, muối ớt vẫn bán chạy nhất.
Còn với Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Trí Việt Phát, dù hoạt động trong ngành gia vị đã 10 năm nhưng chủ yếu cung cấp cho các nhà máy chế biến thực phẩm, hệ thống nhà hàng, khách sạn. Đến năm 2021, doanh nghiệp (DN) này bắt đầu phát triển mảng bán lẻ với sản phẩm đầu tiên là muối ớt kim quất bán tại hệ thống Bách Hóa Xanh. Bà Nguyễn Thị Vân Anh, giám đốc công ty, cho biết trong những tháng cao điểm dịch Covid-19 năm 2021, DN của bà bán được hơn 50.000 chai muối ớt kim quất, ai trong công ty cũng đều bất ngờ về sự đón nhận của người tiêu dùng.
"Năm 2021, doanh thu của DN đạt 121 tỉ đồng, tăng gần 40% so với năm 2020. Mảng bán lẻ đang phát triển rất tốt khi công ty phát triển thêm kênh bán online, doanh số lên đến 500 triệu đồng/tháng" - bà Vân Anh hào hứng.
Các loại gia vị bán tại siêu thị rất đa dạng
Tiềm năng rất lớn
Do tiềm năng của mảng gia vị còn rất lớn nên bà Vân Anh đã đặt mục tiêu tăng trưởng cho DN năm 2022 lên đến 50%. Cơ sở để bà đặt mục tiêu này là do nền kinh tế đang hồi phục, các ngành chế biến thực phẩm, nhà hàng, khách sạn phát triển kéo theo sự tăng trưởng của ngành gia vị.
"Ví dụ, mì gói, bánh snack với nguyên liệu chính là bột mì, khoai tây nhưng sử dụng các gia vị khác nhau sẽ cho ra những sản phẩm khác nhau. Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch Covid-19, xuất nhập khẩu đều khó nên nhiều nhà máy chế biến thực phẩm tìm nguồn cung nội địa thay thế. Chúng tôi có nhà máy đạt chuẩn quốc tế nên được các đối tác quan tâm tìm đến. Ngoài ra, các chuỗi nhà hàng, quán ăn muốn có hương vị chuẩn, đồng đều cũng cần đến gia vị chế biến sẵn" - bà Vân Anh lý giải.
Tại Dh Foods, quý I vừa qua, DN cũng đạt mức tăng trưởng 66%, cho thấy thị trường này đang rất hấp dẫn. Ông Nguyễn Trung Dũng cho hay nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay thay đổi, họ muốn sử dụng nhiều hơn gia vị đặc sản vùng miền nhưng phải tiện lợi và bảo đảm an toàn thực phẩm. Đây là một trong những nguyên nhân Dh Foods thành công khi phát triển gia vị đặc sản từ nguyên liệu tự nhiên, không sử dụng hóa chất, màu tổng hợp, chất bảo quản.
Ông Nguyễn Trung Dũng hy vọng ngành gia vị chế biến của Việt Nam có thể đi theo con đường của Thái Lan để có mặt tại các kệ siêu thị toàn thế giới. Hiện tỉ trọng xuất khẩu của Dh Foods chiếm 10% doanh thu, ông đặt mục tiêu đưa tỉ trọng này lên 30% vào năm 2025.
Là DN khởi nghiệp với nước mắm truyền thống, Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại Dịch vụ Lê Gia gần đây nghiên cứu thêm nhiều gia vị chế biến từ nước mắm khi nhận thấy mảng này đang sôi động. DN đã làm ra gia vị cá kho, thịt kho, kho quẹt… và tới đây là hạt nêm hải sản giúp người nội trợ tiết kiệm thời gian nấu nướng.
"Người tiêu dùng ngày càng thích gia vị từ các nguyên liệu tự nhiên, không dùng chất bảo quản, chất điều vị… Tuy nhiên, để tạo ra một sản phẩm có chỗ đứng là không dễ, rất nhiều sản phẩm phải rời thị trường vì không đáp ứng được khẩu vị của người dùng" - ông Lê Anh, giám đốc DN, nhận xét.
Ông Ngô Đình Dũng - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Giải pháp Quản trị Tổng thể I.S.M, chuyên gia thị trường - đánh giá ngành gia vị Việt Nam còn sơ khai nên có tiềm năng rất lớn. Người tiêu dùng ngày nay thích sự tiện lợi nên đây là cơ hội của các DN chế biến.
"Ẩm thực Việt Nam đa dạng với nhiều công thức bí truyền mang đậm chất vùng miền, trong đó nhiều công thức có thể thương mại hóa. Tuy nhiên, làm sản phẩm cho số đông thì điều quan trọng không phải là ngon nhất mà chất lượng phải đồng đều. Đơn cử như gia vị phở, sản phẩm chế biến sẵn phải làm sao khi nấu ra ngay hương vị phở" - ông Ngô Đình Dũng nhìn nhận.
Theo ông Ngô Đình Dũng, với gia vị cũng như nhiều ngành nông sản khác, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu thô và chưa có thương hiệu. Do đó, việc gia công cho các thương hiệu nước ngoài là cách để giúp DN nâng cao năng lực sản xuất trước khi gầy dựng được thương hiệu riêng.
Cơ hội nào cho nông dân?
Ông Nguyễn Thanh Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare - chủ sở hữu nhãn hàng tương ớt lên men Chilica, cho biết DN đang hợp tác với nông dân canh tác theo tiêu chuẩn châu Âu và cam kết thu mua ớt với giá không dưới 30.000 đồng/kg, bảo đảm cho nông dân có lợi nhuận.
Ông Hiền khởi nghiệp với tương ớt lên men với mong muốn nông sản không cần phải "giải cứu" nhưng không thể thu mua ớt đại trà vì không kiểm soát được chất lượng. Do đó, nông dân muốn ổn định đầu ra cần canh tác sạch, vì chỉ có sản phẩm sạch mới rộng mở đầu ra. Hiện tương ớt Chilica được xuất khẩu sang Hà Lan, CH Czech, Úc, Hàn Quốc với sản phẩm và thương hiệu như hàng đang bán nội địa.
Bình luận (0)