Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài "Khai thác nhiều thị trường lạ", một số doanh nghiệp (DN) đã chia sẻ nguyên nhân vì sao chưa khai thác được nhiều tiềm năng từ những thị trường này.
Doanh nghiệp điều Việt Nam đã xuất được hàng sang một số thị trường ở châu Phi Ảnh: NGỌC ÁNH
Ông Đặng Hoàng Giang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), cho biết Triều Tiên là một trong những thị trường mới, tiềm năng mà hiệp hội đang nghiên cứu, hỗ trợ DN tìm cách tiếp cận để giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu. Các DN cũng chủ động tìm kiếm thị trường mới để mở rộng, gia tăng thị phần bên cạnh những thị trường xuất khẩu truyền thống. Một số DN đã xuất khẩu điều nhân sang các thị trường châu Phi như Nam Phi, Morocco…
Dù vậy, vẫn còn nhiều rào cản khiến kim ngạch xuất khẩu chưa thể tăng mạnh, như tại một số quốc gia ở Đông Phi, Tây Phi..., Việt Nam chưa có đại sứ quán, lãnh sự quán nên rất khó hỗ trợ DN tìm kiếm thị trường, tháo gỡ vướng mắc trong quá trình giao dịch với đối tác. Ngoài ra, khoảng cách địa lý cũng là rào cản không nhỏ, hiện trung bình một lô hàng từ Việt Nam sang châu Phi mất hơn 1 tháng, còn khi trục trặc thì 2 tháng, thậm chí lâu hơn. Đặc biệt, khâu thanh toán là vấn đề nan giải khi các nhà nhập khẩu ở những thị trường này thường không chuộng mở L/C (tín dụng thư) qua ngân hàng. Điều này hết sức rủi ro cho DN xuất khẩu.
Mới đây nhất, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan, Bộ Công Thương cảnh báo việc DN Việt bị lừa đảo khi làm ăn với đối tác ở thị trường này. Theo đó, Công ty Jilani International nhận tiền đặt cọc của một DN Việt để xuất khẩu nguyên liệu thủy sản. Ngay sau khi DN Việt chuyển tiền đặt cọc qua ngân hàng thì công ty cho người đến rút và cắt đứt mọi liên lạc. Ngân hàng cũng không thể liên lạc được với Jilani International và khi đến trụ sở đăng ký để kiểm tra mới phát hiện địa chỉ giả.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hằng, Trưởng Bộ phận Marketing Văn phòng Chứng nhận Halal, đánh giá do còn nhiều vướng mắc nên DN Việt còn lúng túng trong việc thâm nhập thị trường dành cho các nước Hồi giáo. Trong đó, chi phí chứng nhận Halal để xuất khẩu là khá cao. Ngoài ra, mỗi thị trường Hồi giáo lại có một tiêu chuẩn Halal riêng, ví dụ chương trình Halal Malaysia không bảo đảm để xuất khẩu được sang Indonesia và UAE hoặc ngược lại. Điều này khiến DN phải đăng ký chứng nhận nhiều lần cho từng thị trường.
"Đặc biệt, nhận thức của DN về chứng nhận Halal chưa cao. Đa số nghĩ chứng nhận Halal chỉ là xác nhận sản phẩm không có thịt heo mà không biết còn có những yêu cầu về xác minh nguyên liệu và quy trình sản xuất ngặt nghèo khác. Trong một công ty có sản xuất cả sản phẩm liên quan đến thịt heo và sản phẩm Halal mà không thể tách biệt dây chuyền cũng không thể được đánh giá chứng nhận này. Nguồn nhân sự là người Hồi giáo có chuyên môn về chế biến thực phẩm tại Việt Nam chưa nhiều nên cũng khó khăn khi đánh giá Halal…" - bà Hằng nêu hàng loạt khó khăn.
Theo các chuyên gia, phần lớn các thị trường như châu Phi, Triều Tiên, Nepal… không chuộng thanh toán mở L/C qua ngân hàng mà chọn trả trước hoặc trả chậm, thậm chí hàng đổi hàng nên DN khi làm ăn cần tìm hiểu kỹ đối tác và khách hàng nhằm phòng ngừa rủi ro.
Bộ Công Thương khuyến cáo các DN Việt cần thận trọng, xác minh thông tin DN qua thương vụ và các tổ chức thứ ba như phòng thương mại, hiệp hội, hãng tàu, cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ, biên bản giám định… Khi chuyển tiền đặt cọc cho khách hàng cần thông báo cho ngân hàng đây là tiền đặt cọc theo hợp đồng đã thỏa thuận.
Bình luận (0)