Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2014 giảm 0,44% (âm) so với tháng trước và 3 tháng đầu năm chỉ tăng 0,8% so với cuối năm ngoái.
Do người dân chi tiêu hợp lý hơn
Với mức giảm này, CPI tháng 3 năm nay chỉ tăng 4,39% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 nhóm hàng hóa thuộc rổ tính CPI, có tới 4 nhóm hàng hóa giảm so với tháng trước gồm: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm tới 0,96%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,74%, giao thông và bưu chính viễn thông cùng giảm mức 0,03%.
Nguyên nhân chỉ số CPI giảm mạnh là do người dân chi tiêu hợp lý hơn. PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng hồi tháng 2, CPI tăng thấp, Bộ Công Thương cũng giải thích không phải do sức mua yếu vì tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trong 2 tháng đầu năm vẫn tăng 11,6% so với cùng kỳ. Tháng 3, nhóm hàng lương thực - thực phẩm giảm tới 1,67%, trong khi tỉ trọng của nhóm này trong rổ hàng hóa tính CPI chiếm 41%, góp phần làm CPI giảm mạnh.
Sau Tết Nguyên đán, mặt hàng lương thực - thực phẩm thường giảm theo quy luật cung cầu. Năm nay, nhiều mặt hàng rau củ quả, hàng hóa dồi dào giúp giá giảm. Giá gạo vụ đông xuân dù được Chính phủ quyết định thu mua 1 triệu tấn nhưng tăng đáng kể. “Lo ngại là sức mua từ thị trường vẫn còn thấp. Ngay trong dịp Tết, sức mua đã èo uột phản ánh hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) còn khó khăn, thu nhập giảm, việc làm giảm. Đến nay, dù DN liên tục khuyến mãi, kích cầu nhưng lực mua vẫn thấp” - ông Long nhận xét.
Cẩn trọng nếu kích cầu
Thời gian qua, lãi suất cho vay liên tục giảm. Từ ngày 18-3, trần lãi suất huy động giảm về 6%/năm đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên cũng giảm về mức tối đa 8%/năm đối với kỳ hạn ngắn. Tuy nhiên, tín dụng nền kinh tế trong 3 tháng đầu năm vẫn rất thấp. Ngân hàng dồi dào tiền nhưng DN không muốn vay. Theo nhiều DN, nếu sức mua tăng, người dân chịu chi tiêu, dù lãi suất vay vốn 12%-15%/năm, DN sẵn sàng vay để đầu tư sản xuất, mở rộng kinh doanh. Nhưng hiện sức mua trên thị trường rất thấp…
PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng CPI giảm là thông tin mừng với người tiêu dùng khi giá cả hàng hóa rẻ hơn. Cơ quan quản lý cũng có dư địa để điều hành các lĩnh vực độc quyền như xăng dầu, điện, than. Nhưng đáng lo bởi hàng hóa giảm không phải do DN nâng cao năng lực sản xuất mà do lực cầu thị trường kém. Cần phải tạo điều kiện đẩy mạnh sức mua bằng kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư. “Kích cầu đầu tư trong bối cảnh đầu tư công kém hiệu quả, tham nhũng, lãng phí xử lý chưa triệt để… thì phải tính toán cẩn trọng. Kích cầu không hiệu quả sẽ có tác dụng ngược, làm tăng áp lực lạm phát” - ông Long nói.
Nhiều DN lo ngại tình hình thị trường khó khăn, nếu các ngành độc quyền như điện, xăng tăng giá sẽ tác động không nhỏ đến DN. Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổng Thư ký Hội Da giày TP HCM, cho biết ngành da giày đã có đơn hàng xuất khẩu đến tháng 8 nhưng chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài, còn DN trong nước chủ yếu gia công. Không lo đơn hàng nhưng DN cũng chỉ cầm cự bởi giá xuất khẩu không tăng. “DN chủ yếu cầm cự chờ thời, nếu điện, nước hoặc xăng dầu tăng giá, dù ít cũng gây áp lực, khó khăn cho DN” - ông Khánh nhận xét.
Bình luận (0)