Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chỉ rõ đến tháng 7-2014, lãi suất tiền gửi VNĐ bình quân là 5,53%/năm, giảm 0,6% so với đầu năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay bình quân vẫn ở mức khoảng 10,08% năm, chỉ giảm 0,25%. Ủy ban này cũng khuyến cáo lạm phát ổn định như hiện nay sẽ là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có thể hạ thêm lãi suất.
Trăm dâu đổ đầu lãi suất
Về lý thuyết thì đúng như nhận định của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia. Song, với thực tế hoạt động của hệ thống NH thì nghịch lý nói trên lại là… hợp lý.
Lãnh đạo một NH thương mại cho biết lợi nhuận của NH chủ yếu vẫn từ huy động để cho vay. Với trần lãi suất huy động hiện nay do NHNN quy định là 6%/năm, NH thương mại có thể tung ra lãi suất huy động 7%/năm (kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng) nhưng lãi suất cho vay phải khoảng 10% mới bảo đảm duy trì hoạt động. Lãi suất cho vay được tính bằng lãi suất cơ sở cộng với biên độ. Trong đó, lãi suất cơ sở được coi là điểm hòa vốn của NH, được tính bằng lãi suất huy động cộng với chi phí hoạt động, còn biên độ là lợi nhuận của NH.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất để quyết định lãi suất cho vay là chi phí hoạt động của NH, bao gồm: thuế, phí, lệ phí, chi phí nhân viên, chi phí quản lý tài sản, chi phí đầu tư, thuê mặt bằng và các chi phí khác. NH thương mại cũng phải có dự trữ bắt buộc từ 1%-5% trong két và trích lập dự phòng rủi ro cho nợ xấu. Các khoản này chiếm khoảng một nửa so với mức chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay.
Gánh nặng nợ xấu
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh nhận xét về mặt lý thuyết, khi lạm phát thấp, ổn định thì hoàn toàn có cơ sở để giảm lãi suất. Song, hiện nay khó giảm lãi suất do nợ xấu đang tăng trở lại, quản trị hệ thống NH trong tái cấu trúc rất tốn kém. Hơn nữa, NH phải giữ biên lợi nhuận nhất định, tín dụng không đẩy ra được nên phải tiếp tục giữ chênh lệch lãi suất cao để bảo đảm lợi nhuận.
“Thị trường tài chính đang mắc kẹt. Lẽ ra, muốn đẩy mạnh cho vay, phải giảm lãi suất nhưng vì các giao dịch thành công rất thấp nên NH phải cho vay lãi suất cao ở tín dụng tiêu dùng, doanh nghiệp nhiều rủi ro phải thế chấp tài sản. Cho nên, khả năng giảm lãi suất cho vay vẫn rất mờ mịt” - ông Minh nhận định.
Ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), cho rằng nợ xấu chính là lực cản lớn nhất đối với mục tiêu giảm lãi suất cho vay. Các NH bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) phải trích lập dự phòng ít nhất 20% trong 5 năm khiến chi phí đội lên rất lớn, gây thêm sức ép cho lãi suất. Tính đến cuối năm 2013, tổng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đã trích chưa sử dụng của DongA Bank là hơn 930 tỉ đồng - những chi phí này đều “đổ” vào lãi suất.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trong mua bán, khi doanh thu thấp, phải kéo chênh lệch giá mua - bán giãn ra nên khả năng giảm lãi suất là khó. Bên cạnh đó, cầu vay vốn lúc này không phụ thuộc vào lãi suất mà vào thị trường. Chẳng hạn, chênh lệch lãi suất cho vay bằng USD cao hơn nhiều so với VNĐ nhưng tăng trưởng tín dụng ngoại tệ 6 tháng đầu năm lên đến 12,3%, trong khi tín dụng nội tệ chỉ tăng 2,17%.
Bên cạnh tín dụng thương mại, NH còn duy trì tín dụng ưu đãi nên có sự chuyển dịch sang vay vốn thấp nếu đáp ứng được yêu cầu. Trong trường hợp này, yêu cầu giảm lãi suất không trở nên cấp bách.
Lãnh đạo các NH cũng nhìn nhận giảm lãi suất cho vay là rất khó, buộc phải trông chờ vào việc tiết kiệm tối đa chi phí, tăng cường thu dịch vụ khác và giảm chỉ tiêu lợi nhuận. Nếu phải dùng đến biện pháp giảm tiếp lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay, các NH sẽ rơi vào bẫy thanh khoản.
Bình luận (0)