Ngày 15-7, một lãnh đạo Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP HCM cho biết đang rất mệt mỏi do phải liên tục giải trình về những khoản nợ doanh nghiệp (DN) vay ngân hàng nhưng không trả được. Không chỉ phải xử lý và thu hồi nợ mà những người hoạt động trong các quỹ bảo lãnh để xảy ra nợ xấu có khả năng phải chịu trách nhiệm về pháp luật. DN muốn được bảo lãnh thì phải có tài sản thế chấp như vay ngân hàng.
“Giống tiệm cầm đồ cao cấp!”
Giám đốc một DN nhỏ trong lĩnh vực sản xuất quần áo trẻ em cho rằng vốn luôn cần thiết với DN, nhất là DN nhỏ và vừa trong bối cảnh hội nhập. Tuy nhiên, không phải lúc nào DN cũng tiếp cận vốn dễ dàng từ ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp. “Chỉ nghe quỹ bảo lãnh mà phải có tài sản thế chấp như đi vay ngân hàng là không DN nào tới rồi. Không có vốn thì DN rất khó bàn tới chuyện đổi mới máy móc, công nghệ để sản xuất hàng có giá cạnh tranh” - vị giám đốc này nói.
Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, nhìn nhận tất cả DN đều cần vốn nhưng nhóm nhỏ và vừa khó tiếp cận hơn do không có tài sản thế chấp, báo cáo tài chính, báo cáo thuế cũng chưa rõ ràng. Trước đây, những DN này có thể đến quỹ bảo lãnh tín dụng để được bảo lãnh vay vốn tại ngân hàng. Khoảng 2 năm nay, hoạt động bảo lãnh của các quỹ bị đình trệ. Có rất nhiều DN tìm đến quỹ nhưng đành ra về vì không có tài sản thế chấp, không có báo cáo tài chính rõ ràng…
Thực tế, từ khi có Quyết định 58/2013 của Chính phủ về quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng và Thông tư 147/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quyết định này, gần như mọi hoạt động bảo lãnh của các quỹ ngưng trệ.
Theo Quyết định 58, để được bảo lãnh, DN phải có tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản bảo đảm. Nhiều quỹ nhận hồ sơ của DN nhưng không bảo lãnh được vì vướng quy định về tài sản thế chấp… Không riêng TP HCM, báo cáo hoạt động từ các quỹ bảo lãnh tín dụng ở Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội cũng nhìn nhận vướng mắc nhất hiện nay trong hoạt động là quy định về tài sản bảo đảm và bảo toàn vốn.
Theo PGS-TS Hạ Thị Thiều Dao, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, các quy định trên không khác nhiều so với tiêu chuẩn cho vay của ngân hàng thương mại. Nếu đủ tài sản thế chấp, DN đến ngân hàng vay vốn, chứ đâu cần quỹ bảo lãnh. Điều DN cần là bảo lãnh các khoản vay không có tài sản thế chấp. Tài sản hình thành trong tương lai cũng chỉ vay đầu tư mới có, các hợp đồng mua bán ngắn hạn không có loại tài sản này.
“Dù DN có dự án tốt nhưng không có tài sản thế chấp thì cũng rất khó được quỹ bảo lãnh. Ngay tại TP HCM, nhiều DN cũng không thể tiếp cận được vốn vay thông qua quỹ bảo lãnh vì quy định này. Chưa kể việc bảo lãnh phải có rủi ro khi DN không thuận lợi nhưng lại quy trách nhiệm cho các quỹ trong việc để mất vốn là chưa hợp lý” - ông Phạm Ngọc Hưng nhìn nhận.
TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, một trong những người góp ý thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng đầu tiên tại TP HCM nhưng giờ phải ví von quỹ bảo lãnh mà bắt DN phải có tài sản thế chấp giống như “tiệm cầm đồ cao cấp”.
Đến giờ, các quỹ chỉ hoạt động cầm chừng hoặc “ngồi chơi xơi nước”. Qua gần 10 năm hoạt động, Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP HCM đã có những thành công bước đầu nhưng lại “thụt lùi” trong vài năm gần đây. Theo thống kê gần nhất của nhóm nghiên cứu thuộc Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, đến nay quỹ này mới bảo lãnh được 120 lượt DN và đến cuối năm 2014, số DN đang được quỹ bảo lãnh là 14 với số dư bảo lãnh là 241,8 tỉ đồng.
Sớm gỡ vướng mắc
Mới đây, dự thảo Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng đề cập cần nâng cao năng lực tài chính cho các quỹ bảo lãnh tín dụng để bảo lãnh DN vay vốn tại ngân hàng. Trong Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển DN, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính rà soát, đề xuất sửa đổi quy định về bảo lãnh tín dụng cho các DN nhỏ và vừa thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN vừa và nhỏ tại địa phương, trình Chính phủ trong quý III/2016.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một lãnh đạo Quỹ Bảo lãnh tín dụng TP HCM cho rằng nếu không có cơ chế cấp bù cho quỹ phần rủi ro có thể mất đi từ hoạt động của DN thì rất khó hoạt động. Do một số khoản nợ DN không trả vì gặp khó khăn, chuyển thành nợ khó đòi nên gần đây, lãnh đạo của quỹ liên tục phải giải trình với thanh tra.
“Gần chục năm hoạt động, rủi ro của quỹ bảo lãnh không bao nhiêu nhưng lại hỗ trợ rất nhiều cho DN trong sản xuất kinh doanh. Giờ các DN rất cần bảo lãnh để vay vốn ngân hàng nhưng với yêu cầu phải có tài sản thế chấp và quy trách nhiệm cho quỹ khi để mất vốn thì quá khó” - vị lãnh đạo này phân trần.
Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng cần thay đổi cơ chế trong hoạt động bảo lãnh của các quỹ như việc mở rộng điều kiện “dễ thở” hơn thay vì quy trách nhiệm trong việc làm thất thoát vốn, để phát sinh nợ khó đòi…
Hoạt động của các quỹ bảo lãnh cần được nhìn nhận khi DN vay vốn sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động, đóng thuế cho ngân sách chứ không chỉ dựa trên phí bảo lãnh thu được. Theo ông Phạm Ngọc Hưng, các ngân hàng thương mại cũng cần san sẻ trong việc khoản vay được bảo lãnh gặp rủi ro do không theo dõi quản lý chặt dòng tiền của DN chứ không thể “phó mặc” cho các quỹ bảo lãnh.
Đừng “chăm chăm” vào tài sản thế chấp
Ông Tô Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, nhận xét trong bối cảnh tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, quỹ bảo lãnh tín dụng cho DN là mô hình tốt nhưng lại không phát triển mạnh ở Việt Nam. Quy mô của các quỹ quá nhỏ và cơ chế còn nặng về hành chính. Ở các nước, các quỹ tương tự hỗ trợ cho DN được nhiều hơn. Mới đây, Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa Việt Nam ra đời với vốn điều lệ ban đầu 2.000 tỉ đồng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho DN khi không chỉ “chăm chăm” vào tài sản thế chấp mà tập trung nhiều hơn vào các phương án kinh doanh tốt, mức lãi suất ưu đãi… Lúc này, rất cần thêm các trung tâm hỗ trợ DN nhỏ và vừa với vai trò tư vấn, giúp DN lập dự án, phương án kinh doanh khả thi trước khi tìm đến vay vốn.
Bình luận (0)