Nhận định trên được đưa ra tại diễn đàn “Giải pháp quản lý chất cấm và chống lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm ở các tỉnh phía Nam” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức ngày 12-4 ở tỉnh Bình Dương.
Báo động về tồn dư kháng sinh
Theo ông Nguyễn Trung Việt, Chánh Thanh tra Bộ NN-PTNT, trong 2 tuần gần đây, mặc dù hoạt động thanh, kiểm tra đối với chất cấm trong chăn nuôi vẫn được tăng cường nhưng không phát hiện mẫu mới vi phạm. Kết quả kiểm tra 3 tháng đầu năm 2016 cũng cho thấy xu hướng giảm rõ rệt số mẫu vi phạm, còn 4,51% (118/2.614 mẫu). Trong khi đó, tỉ lệ mẫu nước tiểu heo được phát hiện cả năm 2015 là 10,7% dương tính với Salbutamol.
“Dù không loại trừ khả năng người chăn nuôi dùng “chiêu” mới để đối phó hoặc tình hình tạm lắng do bị kiểm tra gắt gao cũng như những thông tin về việc sẽ tiêu hủy cả đàn heo nhiễm chất cấm” - ông Việt đánh giá.
Theo ông Việt, hiện chưa thể khởi tố các công ty dược đã nhập Salbutamol và bán ra không đúng đối tượng thời gian qua nhưng từ ngày 1-7 tới, nếu có tình trạng tương tự thì người vi phạm có thể bị bỏ tù. Còn lỗ hổng về quản lý đã được phát hiện và đang có biện pháp khắc phục. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục xử lý tình trạng lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi, thủy sản và việc này sẽ còn khó hơn so với chất cấm.
Theo Cục Chăn nuôi, việc lạm dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn công nghiệp vẫn đang diễn ra. Việc làm này không những vi phạm quy định về kỹ thuật mà còn có nguy cơ tồn dư kháng sinh trong sản phẩm và tăng kháng sinh với vật nuôi. Người tiêu dùng ăn phải thịt tồn dư kháng sinh sẽ bị lờn thuốc, khi mắc bệnh sẽ khó chữa trị hơn.
Các kết quả giám sát do cơ quan chức năng công bố đều cho thấy mức độ tồn dư đến báo động các loại kháng sinh trong sản phẩm thịt, thủy sản nuôi. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã cấm việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi như Nhật, châu Âu (EU) và gần nhất là Thái Lan (áp dụng từ tháng 2-2016). Trong khi đó, trình độ chăn nuôi của Việt Nam, nhất là người nuôi nhỏ lẻ, còn thấp nên chưa kiểm soát được dịch bệnh dẫn đến lạm dụng kháng sinh trong phòng ngừa, chữa trị cũng như giúp vật nuôi tăng trưởng nhanh.
Chăn nuôi an toàn đâu khó!
TS Nguyễn Văn Bắc - Phó trưởng Văn phòng Thường trực Nam Bộ, Trung tâm Khuyến nông quốc gia - cho biết thực tế đã có nhiều mô hình chăn nuôi heo, gà VietGAP (thực hành chăn nuôi tốt) bảo đảm an toàn thực phẩm và mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Để làm được điều này, người chăn nuôi phải được tập huấn kiến thức, thay đổi thói quen chăn nuôi và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới.
Về dinh dưỡng, để gà thịt có da và chân gà đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, trong khẩu phần ăn nên tăng tỉ lệ bắp. Heo cũng có thể đạt được tỉ lệ nạc cao nhờ sử dụng giống heo có tỉ lệ nạc cao và dinh dưỡng hợp lý mà không phải dùng hóa chất.
Còn theo ThS Võ Văn Ninh, nguyên giảng viên Khoa Chăn nuôi thú y Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, người chăn nuôi có thể dùng các loại thảo dược như: tỏi, nghệ, vàng đắng… để thay thế một số loại kháng sinh trong việc ức chế vi khuẩn có hại.
Theo ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, từ cuối năm 2015 đến nay, số hộ và trang trại nuôi heo đạt chứng nhận VietGAP tăng đáng kể. Đây là nguồn heo được kiểm soát tốt về kháng sinh, chất cấm; các nhà thu mua ở TP HCM bao tiêu 100% nên người nuôi yên tâm hơn. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc tuy dễ tính và đang “ăn hàng” trở lại nhưng vẫn luôn tiềm ẩn rủi ro, có thể ngừng thu mua bất cứ lúc nào.
Từ 15-4, Vissan bán 100% thịt heo VietGAP
Thông tin này do ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), khẳng định chiều 12-4.
Theo đó, Vissan sẽ bán 100% thịt heo đạt chứng nhận VietGAP trên toàn bộ hệ thống kinh doanh thịt tươi sống của công ty, gồm 146 điểm bán tại các chợ truyền thống ở TP HCM và 309 điểm thuộc các hệ thống siêu thị ở TP HCM cùng các tỉnh lân cận. Dự kiến, mỗi ngày Vissan sẽ bán ra thị trường khoảng 70 tấn thịt heo VietGAP, chiếm khoảng 10%-15% tổng lượng thịt heo tiêu thụ tại TP HCM. Toàn bộ nguồn heo do Vissan giết mổ đã được các cơ quan chức năng chứng nhận, kiểm tra. Vissan còn đầu tư riêng bộ kiểm tra nhanh các chất cấm trong chăn nuôi, kiểm tra nghiêm ngặt lượng heo thu mua.
Theo ông Mười, việc triển khai cung cấp 100% thịt heo VietGAP đã tạo động lực cho các hộ chăn nuôi tham gia vào sản xuất chăn nuôi sạch. Đã có 228 hộ chăn nuôi tham gia VietGAP, tăng 93 hộ so với thời điểm Vissan công bố cung cấp thịt heo VietGAP ngày 7-12-2015 và sẽ còn tiếp tục tăng. T.Nhân
Bình luận (0)