Trong nhóm giải pháp cấp bách để doanh nghiệp (DN) hồi phục hoạt động, chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là các chính sách vĩ mô quan trọng nhằm tạo nguồn bổ sung cho ngân sách nhà nước vốn đang eo hẹp.
Lợi thế của công trái ngoại tệ
Trên diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết bộ sẽ xây dựng đề án phát hành công trái ngoại tệ trong nước để huy động nguồn lực hồi phục kinh tế. Giải pháp này được đánh giá là khả thi trong bối cảnh cần nguồn tiền khẩn cấp.
Theo chuyên gia kinh tế cao cấp - TS Lê Đăng Doanh, cơ sở để Bộ Tài chính tính đến phát hành công trái ngoại tệ trong nước là giá USD trên thế giới và tỉ giá USD/VNĐ tương đối ổn định, trong khi lãi suất gửi USD hiện là 0% còn lãi suất gửi VNĐ tại ngân hàng xoay quanh 5%-6%. Do vậy, người nắm giữ USD nhàn rỗi sẽ có lợi hơn khi mua công trái ngoại tệ do Chính phủ phát hành thay vì "bỏ không" gây lãng phí.
"Để có 3 tỉ USD chống lạm phát, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười giai đoạn 1988-1991 đã báo cáo Bộ Chính trị giải pháp hút tiền trong dân bằng cách nâng lãi suất tiết kiệm trung bình từ 3% lên 12%. Chính sách này đã phát huy hiệu quả khi lạm phát từ chỗ 3 con số (774%) năm 1986 xuống còn 2 con số (14%) năm 1992. Tương tự như vậy, phát hành công trái ngoại tệ trong thời điểm này cũng là một giải pháp tận dụng nguồn lực trong dân cần thiết khi nền kinh tế đã bị tổn thương mạnh và chưa có tiền lệ" - TS Lê Đăng Doanh đúc kết.
Ông Lê Đăng Doanh nhận định có khả năng cao sẽ huy động được nguồn ngoại tệ nhàn rỗi trong nước một cách hiệu quả thông qua phát hành công trái nếu các cơ hội đầu tư khác không hấp dẫn hoặc không an toàn bằng. "Chính phủ không nên lo lắng việc nhiều người đồng loạt rút ngoại tệ tại ngân hàng để mua công trái dẫn đến thiếu hụt, bởi đa phần người dân sẽ chia nhỏ danh mục đầu tư, không "bỏ trứng vào một giỏ". Nếu cần thiết, Ngân hàng Nhà nước có thể thực hiện vai trò điều tiết để bảo đảm hệ thống tài chính duy trì đủ ngoại tệ tiền mặt đáp ứng nhu cầu cần thiết" - TS Lê Đăng Doanh góp ý.
TS Vũ Tiến Lộc - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam - cũng ủng hộ chủ trương tận dụng ngoại tệ nhàn rỗi trong dân. Song, ông lưu ý Chính phủ nên yêu cầu hệ thống ngân hàng thống kê lượng USD nhàn rỗi và đánh giá cụ thể mức độ tác động đến ổn định vĩ mô theo từng tỉ lệ huy động để có chiến lược phù hợp.
Trong khi đó, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (UNDP) nhận định thị trường trái phiếu DN trong nước cũng là một kênh tiềm năng để huy động vốn dài hạn. Thị trường này bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2005 và hiện đạt giá trị tương đương 10% GDP. Để khai thác hiệu quả, cần có cơ quan xếp hạng tín nhiệm đáng tin cậy cũng như có báo cáo chính xác, kịp thời về dữ liệu giao dịch trái phiếu nhằm tăng tính minh bạch và tăng thanh khoản.
Chính phủ có thể chuyển nguồn vốn để tăng cơ hội tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp trong giai đoạn hồi phục. Trong ảnh: Vận chuyển đơn hàng xuất khẩu Mỹ tại Công ty CP Quốc tế DonyẢnh: HOÀNG TRIỀU
Sử dụng hiệu quả vốn công
Vốn đổ vào đầu tư công được coi là "tiền đẻ ra tiền" nên giải pháp khơi thông nguồn lực cho hồi phục kinh tế không thể bỏ qua chính sách đối với lĩnh vực này.
UNDP chỉ rõ một trong những thách thức lớn nhất của Việt Nam hiện nay là bảo đảm kinh phí cho cho đầu tư công. Giai đoạn 2002-2019, đầu tư công giảm từ mức 22% còn 11% GDP, trong khi nhu cầu về đầu tư cho cơ sở hạ tầng hiện nay đang lớn hơn bao giờ hết để ứng phó với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực cạnh tranh.
"Việt Nam cần thiết lập các thiết chế kinh tế mới để huy động nguồn vốn dài hạn trong nước và phân bổ đầu tư công hiệu quả hơn. Ngoài ra, các tổ chức đa phương như Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á cũng tận dụng khả năng vay với lãi suất thấp trên thị trường trái phiếu quốc tế để cung cấp các khoản vay dài hạn bằng USD cho các nước đang phát triển. Tương tự, các ngân hàng phát triển ở cấp quốc gia cũng cho vay dài hạn với lãi suất thấp bằng đồng nội tệ" - UNDP gợi ý.
Liên quan việc giải ngân vốn công, TS Vũ Tiến Lộc nêu rõ đến hết tháng 10-2021, cả nước ước giải ngân 257.387 tỉ đồng vốn đầu tư công, chỉ đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, một số dự án trọng điểm có tỉ lệ giải ngân khá thấp, như dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành chỉ đạt 53% kế hoạch giao; dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 đạt 65,8% kế hoạch...
Bởi vậy, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong 2 tháng cuối năm để tạo hiệu ứng lan tỏa với nền kinh tế, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng cũng cần xem xét chuyển nguồn vốn công chưa thể giải ngân vào các chương trình hồi phục kinh tế cấp bách khác, trong đó có thể chuyển lập quỹ bảo lãnh tín dụng hoặc cấp bù lãi suất. Chẳng hạn, nếu hệ thống ngân hàng được hỗ trợ cấp bù lãi suất thì sẽ kích thích DN tăng vay vốn để hồi phục hoạt động và đóng góp trở lại ngân sách.
"Một đồng vốn đầu tư công có thể sinh ra nhiều đồng khác để bổ sung vào ngân sách nhà nước. Trong tình huống giải ngân không khả thi thì hoàn toàn có thể chuyển nguồn, không để "cát cứ" nguồn vốn" - ông Lộc nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia nêu quan điểm cần dự phòng 10% kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương theo từng nguồn để xử lý những vấn đề phát sinh khi triển khai, nhằm bảo đảm đầu tư công là một trụ cột quan trọng trong chương trình hồi phục kinh tế.
Hài hòa chính sách tài khóa, tiền tệ
Chỉ rõ Việt Nam từ vị trí "ngôi sao" khi thế giới bị suy thoái nặng nề năm 2020 đã nhanh chóng tụt xuống mức dưới trung bình của thế giới trong năm 2021, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng cần chính sách điều chỉnh tổng thể với nền kinh tế.
Ông Lộc phân tích: Dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều và không thể chỉ trông chờ vào nỗ lực hạ lãi suất, đẩy mạnh cho vay của ngân hàng thương mại. Trong khi đó, dư địa chính sách tài khóa còn rất lớn bởi những năm qua, nợ công và bội chi được kéo giảm đáng kể, các cân đối vĩ mô ổn định.
"Có thể áp dụng chính sách tài khóa "ngược chu kỳ" vào lúc này. Đó là khi kinh tế tăng trưởng thuận lợi thì giảm bội chi và nợ công, tăng dự trữ. Ngược lại, kinh tế khó khăn thì đẩy các chỉ số này lên để có nguồn lực. Chính phủ cần linh hoạt tích hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, trong đó chính sách tài khóa yểm trợ cho chính sách tiền tệ. Chẳng hạn, có thể thông qua chính sách thuế, đầu tư công để tạo nguồn phục vụ điều chỉnh lãi suất, lưu thông tiền tệ..." - TS Vũ Tiến Lộc nêu giải pháp.
Theo TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và DN thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cần nghiên cứu chiến lược phối hợp giữa tăng quy mô các gói hỗ trợ an sinh xã hội với kích cầu tiêu dùng. Cùng với đó, tiếp tục giảm chi phí cho DN trong bối cảnh sức chống chịu của DN giảm nhanh, có thể tập trung vào giảm giá điện, thuế môi trường xăng dầu... Đặc biệt, cần đánh giá đúng nguy cơ lạm phát để có biện pháp bình ổn bởi lạm phát thấp gần đây chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng thấp trong khi chi phí xăng dầu, vận chuyển... tăng cao đang là mối đe dọa với CPI.
TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế trung ương, cho rằng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế ngoài tập trung vào nguồn lực từ tăng chi và vay nợ thì có thể sử dụng một phần dự trữ ngoại hối và tạo nguồn lực qua cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí giao dịch cho DN... Quan trọng hơn, cần sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội để cải thiện các nút thắt pháp lý trong thực hiện chương trình này.
Ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực đột phá
Để kích thích nền kinh tế hồi phục, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu quan điểm tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đồng thời, có chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sớm phục hồi sản xuất - kinh doanh; xây dựng chương trình tín dụng quy mô lớn dành cho các ngành, lĩnh vực, dự án, DN có khả năng tạo đột phá và sức lan tỏa lớn về tăng trưởng.
Bình luận (0)