Những ngày gần đây, thị trường phía Bắc xôn xao thông tin nhãn Miền Thiết (1 trong 6 loại nhãn trồng ở Hưng Yên) được một số dân buôn xử lý bằng cách xông lưu huỳnh để làm vỏ sạch nấm mốc và sáng hơn.
Trong khuôn khổ cho phép
Anh Nguyễn Văn Chiển - một người trồng nhãn ở xã Hàm Tử, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên - tỏ ra bức xúc với thông tin trên. “Tôi khẳng định giống nhãn Miền Thiết được người Hưng Yên nhân rộng, đưa vào trồng hàng loạt từ hơn chục năm nay. Loại quả to, màu vàng ươm này không phải bây giờ mới có. Để có được quả to, màu vàng ấy, ngoài việc có giống tốt, còn cần biết bao công sức chăm bón của bà con nông dân. Từ khi nhãn nảy lộc, ra hoa, đậu quả, đến lúc thu hoạch là biết bao kỹ thuật được người dân tính toán cẩn thận và áp dụng” - anh Chiển nói.
Theo anh Chiển, muốn nhãn được vàng như vậy, tất nhiên có phun chế phẩm sinh học lên vỏ nhưng đó là các loại thuốc được phép sử dụng. Sau khi phun thuốc, người dân phải đợi đến khi an toàn mới cho thu hoạch bởi nếu không thì vỏ nhãn sẽ có mùi hắc, rất khó chịu.
Ông Nguyễn Thanh Oai - Chủ tịch UBND xã Hàm Tử, đồng thời cũng là một hộ trồng nhãn trong xã với hơn 200 cây, vụ năm nay thu hoạch được hơn 10 tấn nhãn Miền Thiết - cũng khẳng định nông dân Khoái Châu nói riêng và Hưng Yên nói chung không bao giờ sử dụng phương pháp xông lưu huỳnh để giúp nhãn đẹp mã. “Nhãn vẫn còn trên cây, ai không tin có thể về tham quan, nhãn vàng và đẹp lắm. Mẫu mã đẹp chủ yếu là do mình chăm sóc. Tuy nhiên, tôi cũng có nghe cánh thương lái nói sau khi mua nhãn của bà con, họ có dùng thuốc gì đó nhưng trong khuôn khổ cho phép” - ông Oai nói.
Anh Chiển cũng cho rằng việc dùng lưu huỳnh để làm sáng vỏ nhãn có thể là thật nhưng không phải do nông dân làm, nếu có là do các thương lái thực hiện khi mua nhãn xấu, loại nhãn mã đen, mốc mới cần làm sáng. Còn nếu mã đẹp rồi thì không cần. “Ai đó cho rằng nhãn có màu vàng, to là do xông lưu huỳnh thì không chuẩn. Nhãn xông lưu huỳnh chủ yếu bảo quản lạnh để xuất khẩu, còn bán lẻ ngoài thị trường thì màu nhãn tự nhiên sẽ dễ tiêu thụ hơn” - anh Chiển khẳng định.
Không nên lo lắng
Thực tế, việc sử dụng lưu huỳnh để xông trái cây là yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu vào một số thị trường. Thậm chí mới đây, ngày 8 và 9-6, tại 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) 2 tỉnh này đã tổ chức chương trình huấn luyện chuyển giao kỹ thuật xông lưu huỳnh cho quả vải xuất khẩu.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Phó Giám đốc quốc gia Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (Cục Xúc tiến thương mại), xông lưu huỳnh là yêu cầu bắt buộc để quả vải tiếp cận thị trường châu Âu và Trung Đông. Năm 2015, vụ vải đầu tiên, Cục Xúc tiến thương mại đã mời chuyên gia quốc tế hướng dẫn kỹ thuật này nhưng với quy mô nhỏ.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, PSG-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, khẳng định việc sử dụng phương pháp xông lưu huỳnh để bảo quản trái cây trên thế giới đã được làm từ rất lâu, không hề độc hại hay ảnh hưởng sức khỏe như nhiều người lo ngại.
Theo PSG-TS Nguyễn Duy Thịnh, lưu huỳnh khi đốt lên sẽ thành khí SO2; cũng như củi, than, khi đốt lên thành CO2. Đây là một chất khí, có tác dụng diệt nấm, vi khuẩn rất tốt. Vì vậy, với nhiều sản phẩm trái cây như nhãn, vải, người ta xông SO2 để sát khuẩn bề mặt làm cho vỏ trắng, không bị thâm đen. Việc xông lưu huỳnh cũng giúp bảo quản trái cây tốt hơn. “Đây là phương pháp sinh thiết hóa khô và chất lưu huỳnh được phép dùng trong công nghệ thực phẩm. Vì SO2 là chất khí nên chỉ bám vào bề mặt vỏ để diệt khuẩn mà không thể xâm nhập được bên trong. Khi khí SO2 bay hết thì trái cây có thể ăn bình thường, không hề độc hại” - ông Thịnh giải thích.
Tuy nhiên, nếu ngửi, hút trực tiếp khí SO2 khi đang đốt sẽ rất nguy hiểm bởi nó tác động mạnh lên màng phổi, màng mắt, hủy hoại màng phổi, làm viêm màng mắt.
Dưới góc độ người làm nông nghiệp, anh Chiển cũng cho rằng có thể việc sử dụng lưu huỳnh để xông trái cây theo đúng hướng dẫn khoa học, không có gì sai.
Tránh hít khí SO2 khi xông
PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo khi đốt, lưu huỳnh sinh khí SO2, nếu để khí đó chui vào mũi người trực tiếp đốt sẽ rất độc. Ngoài ra, SO2 là khí nặng, khi đốt nếu không có ống hút khí, nó sẽ lan tỏa ra xung quanh làm ảnh hưởng khu dân cư.
Giải pháp là khi xông SO2, cần có quạt để hút khí, sau đó dẫn vào ống để thổi lên cao. Nếu không có quạt thì có thể dùng ngọn lửa để hút khí. Cụ thể, có thể đốt rơm bên dưới, bên trên có một ống dẫn lên cao, ngọn lửa sẽ hút khí SO2 và dẫn vào ống để thổi lên cao.
Bình luận (0)